Doanh thu tính thuế được sử dụng để xác định số thuế phải nộp trong khi doanh thu ghi nhận trên sổ kế toán để lập Báo cáo Tài chính phải tuân thủ các nguyên tắc kế toán. Hiện nay, tại rất nhiều doanh nghiệp có xảy ra trường hợp, thu nhập chịu thuế do cơ quan thuế xác định không giống lợi nhuận theo báo cáo quyết toán thuế tài chính của doanh nghiệp. Do có sự chênh lệch về doanh thu kế toán và doanh thu tính Thuế. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Ở bài viết này, VisioEdu sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân và một số biện pháp xử lý khi có sự chênh lệch về doanh thu kế toán trên Báo cáo Tài chính và doanh thu tính Thuế.
1. Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt giữa doanh thu kế toán trên Báo cáo Tài chính và doanh thu tính Thuế
+ Căn cứ pháp lý
Trước khi đi vào nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt, VisioEdu muốn bạn tìm hiểu các căn cứ pháp lý quy định về 2 loại doanh thu này.
– Doanh thu kế toán trên Báo cáo Tài chính: Được căn cứ theo:
- Chuẩn mực kế toán (số 14)
- Chế độ kế toán Thông tư 200/2014/TT-BTC
– Doanh thu tính thuế: Được căn cứ theo Văn bản Hợp nhất số 18/VBHN-BTC hướng dẫn về Thuế.
+ Thời điểm xác lập và ghi nhận doanh thu kế toán trên Báo cáo Tài chính và doanh thu tính Thuế
Phụ thuộc vào thời điểm ghi nhận khiến doanh thu kế toán trên Báo cáo Tài chính và doanh thu tính thuế có thể khác nhau tùy vào từng tình huống cụ thể. Trong đó:
– Thời điểm ghi nhận doanh thu kế toán: Doanh thu ghi nhận trên sổ kế toán để lập BCTC phải tuân thủ các nguyên tắc kế toán và tùy theo từng trường hợp không nhất thiết phải bằng số đã ghi trên hóa đơn bán hàng.
– Thời điểm xác định doanh thu tính thuế: Doanh thu tính thuế chỉ được sử dụng để xác định số thuế phải nộp theo luật định.
Để bạn dễ hiểu hơn, VisioEdu xin đưa ra 1 ví dụ cụ thể về hoạt động bán hàng hóa xuất khẩu.
- Trong trường hợp này, doanh thu kế toán trên Báo cáo Tài chính chỉ được ghi nhận khi đáp ứng đồng thời 5 điều kiện như sau:
- Doanh nghiệp đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm hoặc hàng hóa cho người mua
- Doanh nghiệp không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hàng hóa hoặc quyền kiểm soát hàng hóa
- Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn
- Doanh nghiệp đã thu được hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng
- Xác định được chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng
- Trong khi đó, đối với doanh thu tính Thuế: Ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan. Hay còn được hiểu là ngày thông quan trên tờ khai hải quan.
2. Một số trường hợp khác biệt giữa doanh thu kế toán trên Báo cáo Tài chính và doanh thu tính Thuế
- Các khoản hàng hóa dịch vụ được trao đổi không được xác định là doanh thu theo chế độ kế toán nhưng là doanh thu để tính thu nhập chịu thuế theo quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Các trường hợp đã viết hóa đơn bán hàng nhưng chưa đủ điều kiện để ghi nhận doanh thu theo chuẩn mực kế toán.
- Trường hợp cho thuê tài sản, có nhận trước tiền cho thuê của nhiều năm: Doanh thu trong năm ghi nhận theo kế toán là tổng số tiền cho thuê chia cho tổng số năm trả tiền trước. Còn doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp cơ sở kinh doanh có thể lựa chọn một trong hai cách tính:
- Doanh thu phân bổ cho số năm trả tiền trước.
- Hoặc xác định theo doanh thu trả tiền một lần.
- Các khoản được giảm trừ doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ hoặc doanh thu hoạt động tài chính theo chuẩn mực kế toán, nhưng không được loại trừ khỏi doanh thu để tính thu nhập chịu Thuế.
3. Một số sự khác biệt giữa doanh thu kế toán trên Báo cáo Tài chính và doanh thu tính Thuế do cách hạch toán chi phí
Tiếp theo, VisioEdu muốn đưa ra 2 trường hợp điển hình dẫn đến doanh thu kế toán khác doanh thu tính Thuế liên quan đến chi phí.
- Các khoản chi không có hóa đơn:
Theo luật kế toán: Các khoản được tính vào chi phí kế toán, được hạch toán và ghi nhận theo số thực chi.
Theo luật thuế: Các khoản chi phí không có hóa đơn GTGT, chỉ có hóa đơn bán lẻ không được tính là chi phí được trừ, trừ trường hợp công ty có lập bảng kê mẫu 01/TNDN – bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn.
- Trường hợp khấu hao tài sản cố định:
Theo luật kế toán: Dù có sản xuất hay không nếu có mang ra sử dụng và trích khấu hao tài sản trong kỳ kế toán (trừ thời gian ngưng sử dụng để sữa chữa bảo dưỡng, duy tu lại thì tạm ngưng trích khấu hao hoặc trừ khi thanh lý bán mới không khấu hao hoặc đã trích khấu hao hết giá trị sử dụng TCSĐ) thì xem như không trích khấu hao tài sản đó nữa, do đó có doanh thu hay không doanh thu thì vẫn phải trích như thường
Theo luật thuế: Nếu không phát sinh doanh thu thì không được tính khấu hao vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp
- Nếu tài sản hoặc chi quá lớn không sử dụng thì công ty tạm ngưng không trích khấu hao cũng không phân bổ nữa (như vậy là công ty đang làm theo thuế)
- Nếu công ty muốn hợp pháp cả hai thì vẫn trích bình thường nhưng phần chi phí không hợp lý với thuế này thì cuối năm ghi nhận vào chỉ tiêu B4 trong quyết toán thuế TNDN để loại trừ.
4. Xử lý sự khác biệt thu nhập kế toán trên Báo cáo Tài chính và thu nhập chịu thuế
Do sự thay đổi liên tục về chính sách thuế, nên để có thể giảm thiểu rủi ro Báo cáo Tài chính và hạn chế sự khác biệt về doanh thu kế toán và doanh thu tính Thuế, hàng kỳ kế toán trong doanh nghiệp cần liên tục cập nhật chính sách thuế mới để xác định thu nhập chịu thuế.
Bên cạnh đó, kế toán cần nắm vững công cụ về Thuế hoãn lại và sử dụng công cụ này để xử lý các khoản chênh lệch tạm thời giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế:
– Nếu lợi nhuận kế toán cao hơn thu nhập chịu thuế: Ghi nhận thuế hoãn lại phải trả;
– Nếu lợi nhuận kế toán nhỏ hơn thu nhập chịu thuế: Ghi nhận tài sản thuế hoãn lại;
Trên đây là một số nguyên nhân chênh lệch giữa thu nhập kế toán trên Báo cáo Tài chính và một số biện pháp xử lý mà VisioEdu muốn gợi ý cho bạn. Hy vọng với những chia sẻ trên bạn có thể tự tin hơn khi lập Báo cáo Tài chính và lập tờ khai Thuế.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> 13 lỗi thường gặp khi làm Báo cáo tài chính
>>> 7 nguyên tắc lập Báo cáo Tài chính mọi kế toán cần nắm vững