Để xác định khoản vay trong doanh nghiệp có được coi là giao dịch liên kết hay không, trước hết cùng VisioEdu tìm hiểu thế nào là “Giao dịch liên kết” nhé.
1. Giao dịch liên kết là gì?
Theo Nghị định 132 thì giao dịch liên kết có thể được hiểu là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí.
2. Vay ngân hàng có phải là giao dịch liên kết không?
Tiếp theo, VisioEdu sẽ giúp bạn hiểu rõ cách xác định quan hệ liên kết theo quy định của Pháp luật.
Theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định các bên có liên hệ liên kết như sau:
- Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia.
- Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
Về cách xác định khoản vay ngân hàng trong quan hệ liên kết được quy định cụ thể tại Điểm d Khoản 2 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP như sau:
“ d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;”
Căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp Công ty có vay ngân hàng với khoản vốn vay lớn hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu của Công ty và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của Công ty thì giữa Công ty và Ngân hàng được xác định là có quan hệ liên kết.
Lưu ý: Phải đáp ứng được đồng thời cả 2 điều kiện trên thì doanh nghiệp vay ngân hàng mới thuộc trường hợp có giao dịch liên kết.
Khi đó các giao dịch phát sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng được xác định là giao dịch liên kết.
Nếu chỉ đáp ứng 1 trong 2 trường hợp thì không phải giao dịch liên kết.
3. Vay mượn tiền của chủ doanh nghiệp có phải là giao dịch liên kết không?
Đây là câu hỏi mà khá nhiều bạn kế toán còn thắc mắc muốn được VisioEdu giải đáp. Căn cứ theo quy định tại Điểm d và Điểm l Khoản 2 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về các bên có quan hệ liên kết như sau:
“l) Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này.”
Theo quy định trên, trường hợp Công ty mượn tiền của chủ doanh nghiệp đồng là người đại diện pháp luật điều hành, kiểm soát doanh nghiệp với số tiền lớn hơn 10% vốn chủ sở hữu được xác định là có quan hệ liên kết. Khi đó giao dịch vay mượn tiền giữa Công ty với chủ doanh nghiệp là giao dịch liên kết.
Trên đây là giải đáp thắc mắc của VisioEdu về vấn đề cách xác định giao dịch liên kết đối với các khoản Vay ngân hàng và vay chủ doanh nghiệp theo Nghị định 132. Hy vọng với những phân tích và chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về giao dịch liên kết và kê khai các khoản vay chính xác.
>>> Có thể bạn cũng quan tâm:
10 dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Cách xác định chi phí lãi vay được trừ đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết