Đơn vị tiền tệ – chỉ tiêu trên hóa đơn tưởng không có nhiều ý nghĩa, nhưng nếu bạn đọc kỹ hơn về quy định viết hoá đơn thì có thể sẽ nhận ra mỗi thông tin trên đó đều được quy định về cách viết, cách sử dụng khác nhau.
Thông tin đơn vị tiền tệ, đối với các doanh nghiệp chỉ có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước có thể luôn mặc nhiên được hiểu phải sử dụng tiền đồng trong hợp đồng và hóa đơn mua bán giữa các bên. Nhưng nếu đối tượng hợp đồng là một bên có yếu tố nước ngoài thì có lẽ sẽ khiến khá nhiều kế toán lấn cấn bởi câu hỏi “liệu có được sử dụng một loại tiền tệ khác với tiền đồng hay không”?
Tình huống cụ thể dưới đây được VisioEdu trích dẫn từ thắc mắc của độc giả gửi trên trang của Bộ Tài chính. Cùng VisioEdu tìm hiểu kỹ hơn các quy định hiện hành về đơn vị tiền tệ trên hóa đơn để có thể giải quyết tình huống mà độc giả đưa ra.
1. Câu trả lời của Bộ tài chính về việc có được sử dụng đơn vị tiền tệ khác tiền đồng trên hóa đơn ủy thác không
VisioEdu xin trích dẫn câu hỏi trên trang của Bộ tài chính như sau:
Công ty chúng tôi (sau đây gọi tắt là bên A – bên nhận ủy thác xuất khẩu) kí kết hợp đồng nhận ủy thác xuất khẩu hàng phân bón với Công ty B (bên ủy thác xuất khẩu), trong hợp đồng đơn giá mặt hàng phân bón được thể hiện là đồng đô la Mỹ, phí ủy thác xuất khẩu là 4 USD/tấn (phí này được thanh toán đối trừ ngay khi bên A thực hiện thanh toán tiền hàng của hợp đồng cho bên B). Vậy khi Công ty chúng tôi (bên A) xuất hóa đơn phí ủy thác xuất khẩu cho Công ty B thì có được ghi trên hóa đơn đồng tiền đô la Mỹ, đồng thời thể hiện tỷ giá không? Hay vẫn phải thể hiện đồng tiền trên hóa đơn là Đồng Việt Nam. Kính mong nhận được phản hồi của Bộ Tài Chính.”
Bộ Tài chính trả lời:
Căn cứ Khoản 1, Điều 2, Thông tư 07/2012/TT-NHNN quy định: “Ngoại tệ là đồng tiền của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực”.
Tại Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN có quy định về nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam như sau: “Trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư này, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối.”
Và ở Điều 4 TT32 quy định về các trường hợp được sử dụng ngoại hối:
“…
- Người cư trú thực hiện hợp đồng ủy thác nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định sau:
- a) Người cư trú nhận ủy thác nhập khẩu được ghi giá trong hợp đồng ủy thác nhập khẩu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản đối với giá trị hợp đồng nhập khẩu từ bên ủy thác nhập khẩu;
- b) Người cư trú nhận ủy thác xuất khẩu được ghi giá trong hợp đồng ủy thác xuất khẩu bằng ngoại tệ và thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản đối với giá trị hợp đồng xuất khẩu cho bên ủy thác xuất khẩu.
…”
Theo như Bộ Tài chính, thì trên hóa đơn được thể hiện đơn vị tiền tệ khác tiền đồng, nhưng cần đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 4, Thông tư 32.
2. Phí dịch vụ ủy thác thể hiện bằng đơn vị tiền tệ nào trên hóa đơn
Tiếp theo, VisioEdu sẽ nói rõ hơn về đơn vị tiền tệ trên hóa đơn đối với “phí dịch vụ ủy thác”. Cũng theo câu trả lời của Bộ Tài chính bên trên, rõ ràng trường hợp được sử dụng ngoại hối đối với việc nhận uỷ thác xuất khẩu sẽ chỉ được sử dụng ngoại tệ với “giá trị hợp đồng xuất khẩu cho bên uỷ thác” mà không nói tới phí dịch vụ của bên uỷ thác và bên nhận uỷ thác. Việc thực hiện dịch vụ nhận uỷ thác xuất khẩu bản chất là hoạt động kinh doanh giữa hai đơn vị trong lãnh thổ Việt Nam phải được thể hiện bằng loại tiền Việt Nam đồng trên hợp đồng và thanh toán bằng tiền Việt Nam theo quy định về thanh toán.
Trường hợp có tỷ lệ phí ủy thác của hai đơn vị trong nước được thỏa thuận hưởng theo tỷ lệ phần trăm theo giá trị hợp đồng xuất khẩu thì trong hợp đồng thỏa thuận sẽ ghi theo tiền ngoại tệ và phải được xác định tỷ giá ngay tại thời điểm ký hợp đồng với tỷ giá tại thời điểm ký kết.
Đối với quy định về đơn vị tính trên hoá đơn thì ta có quy định theo Khoản 6.d Điều 10 nghị định 123/2020/NĐ-CP “Tổng số tiền thanh toán trên hóa đơn được thể hiện bằng đồng Việt Nam theo chữ số Ả rập và bằng chữ tiếng Việt, trừ trường hợp bán hàng thu ngoại tệ không phải chuyển đổi ra đồng Việt Nam thì tổng số tiền thanh toán thể hiện bằng nguyên tệ và bằng chữ tiếng nước ngoài.” Vậy, đơn vị tiền tệ được sử dụng trên hóa đơn được quy định phù hợp với đơn vị tiền tệ trong thanh toán. Như VisioEdu vừa nhận định, trường hợp trên không thuộc đối tượng sử dụng ngoại hối nên sẽ không thuộc đối tượng loại trừ để có thể sử dụng đơn vị ngoại tệ trên hoá đơn.
Đơn vị tiền tệ trên hóa đơn tưởng chừng là thông tin rất đơn giản nhưng lại thể hiện được thật nhiều quy định liên quan. Việc hiểu và tuân thủ đúng các quy định không những giúp doanh nghiệp xây dựng được các bước xử lý nhanh chóng trong quá trìn kinh doanh của mình mà còn giúp doanh nghiệp tránh được những sai sót và các khoản phạt vi phạm.
Ở tình huống của câu hỏi có thắc mắc về sử dụng tỷ giá, thì trong trường hợp thỏa mãn quy định để sử dụng ngoại tệ trên hóa đơn thì tỷ giá sẽ được ghi nhận theo quy định ghi nhận doanh thu tại Khoản 4 Điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC “tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản”.
Trên đây là trích dẫn của VisioEdu về câu trả lời của Bộ Tài chính đối với vấn đề sử dụng ngoại tệ trên hóa đơn bán hàng và một số phân tích của VisioEdu về quy định đơn vị tiền tệ của Phí dịch vụ ủy thác trên hóa đơn. Hy vọng với những chia sẻ bên trên, bạn đã biết cách sử dụng đơn vị tiền tệ trên hóa đơn của doanh nghiệp mình một cách chính xác.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> Cá nhân có thu nhập 2 nơi, khai Quyết toán Thuế thu nhập cá nhân như thế nào?
>>> Cách tính Thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài thông qua đối tượng cư trú