Điều kiện tham dự kỳ thi chứng chỉ CPA tại Việt Nam là điều mà kế toán, kiểm toán cần phải biết nhằm tránh xảy ra những sai sót không đáng có khi đăng ký dự thi. Bài viết dưới đây VisioEdu sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về điều kiện thi CPA tại Việt Nam để kế toán, kiểm toán sớm lên kế hoạch ôn thi CPA hiệu quả, phù hợp nhất.
-
Điều kiện thi CPA
– Về trình độ học vấn: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Ngân hàng. Nếu học các chuyên ngành khác thì tổng số tiết học của các môn: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính và Thuế phải chiếm ít nhất 7% trên tổng số tiết học của cả khóa học.
– Về kinh nghiệm làm việc: Có thời gian làm việc thực tế trong ngành tài chính, kế toán từ 36 tháng (3 năm) trở lên, tính từ tháng tốt nghiệp đại học (hoặc tốt nghiệp tạm thời) cho đến thời điểm đăng ký dự thi CPA. Hoặc 48 tháng (4 năm) trở lên tính từ tháng ghi trên quyết định tốt nghiệp đại học đến thời điểm đăng ký dự thi CPA đối với người có thời gian thực tế làm trợ lý kiểm toán, ở các doanh nghiệp kiểm toán.
– Những điều kiện thi CPA khác: Ứng viên phải đảm bảo quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ các quy định pháp luật tính đến thời điểm dự thi. Bên cạnh đó, cần đảm bảo cung cấp đúng, đủ các loại giấy tờ và lệ phí niêm yết trước kỳ thi chứng chỉ CPA.
-
Phạm vi công nhận chứng chỉ CPA Việt Nam
Chứng chỉ CPA Việt Nam được công nhận trên toàn quốc, hữu dụng và có giá trị vĩnh viễn tại Việt Nam. Bạn sẽ có nhiều cơ hội để trở thành kiểm toán viên tại Việt Nam với chứng chỉ CPA.
-
Hồ sơ dự thi chứng chỉ CPA
Điều kiện thi CPA đối với người đăng ký dự thi đó là cần gửi hồ sơ đến Hội đồng thi do Bộ Tài chính Việt Nam thành lập trước ngày thi ít nhất 30 ngày. Vì vậy, bạn cần lưu ý về thời gian để sớm ôn thi CPA để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Đối với người đăng ký dự thi lần đầu cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện thi CPA sau:
– Phiếu đăng ký dự thi CPA: Có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc của UBND địa phương nơi cư trú kèm 1 ảnh thẻ màu cỡ 3×4 và đóng dấu giáp lai.
– Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu.
– Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc UBND địa phương nơi cư trú.
– Bản sao bằng tốt nghiệp được quy định tại điều kiện dự thi CPA. Nếu là bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác thì phải nộp kèm bảng điểm có chứng thực ghi rõ số tiết của tất cả các môn học. Nếu người dự thi CPA nộp bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ thì phải nộp kèm bảng điểm ghi rõ ngành học có chứng thực.
– 3 ảnh màu (3×4) chụp trong vòng 6 tháng và 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người tham gia dự thi chứng chỉ CPA.
Đối với người đã có chứng chỉ hành nghề kế toán:
– Phiếu đăng ký dự thi chứng chỉ CPA: Có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc của UBND địa phương nơi cư trú kèm 1 ảnh màu cỡ 3×4 và đóng dấu giáp lai.
– Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu.
– Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi đang công tác hoặc UBND địa phương nơi cư trú.
– Bản sao có chứng thực Chứng chỉ hành nghề kế toán.
– 3 ảnh màu (3×4) chụp trong vòng 6 tháng và 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người tham gia dự thi chứng chỉ CPA.
-
Nội dung thi chứng chỉ CPA
Nội dung từng môn thi chứng chỉ CPA bao gồm cả phần lý thuyết và phần ứng dụng vào bài tập, tình huống. Bộ tài chính chịu trách nhiệm soạn thảo, cập nhật và công khai nội dung, chương trình tài liệu học, ôn thi CPA và chứng chỉ hành nghề kế toán. Người đăng ký dự thi lần đầu lấy chứng chỉ kiểm toán viên, phải đăng ký dự thi ít nhất là 04 môn thi theo quy định chung. Số lượng môn thi đối với người thi CPA lần đầu và người đã có chứng chỉ hành nghề kế toán sẽ có sự khác nhau.
Điều kiện dự thi CPA đối với người đăng ký lần đầu thì cần vượt qua 7 môn sau:
– Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp.
– Thuế và quản lý thuế nâng cao.
– Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao.
– Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm nâng cao.
– Tài chính và quản lý tài chính nâng cao.
– Phân tích hoạt động tài chính nâng cao.
– Ngoại ngữ.
Điều kiện dự thi CPA đối với người đã có chứng chỉ hành nghề kế toán thì phải thi 3 môn sau:
– Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm nâng cao.
– Phân tích hoạt động tài chính nâng cao.
– Ngoại ngữ.
-
Thể thức thi chứng chỉ CPA
Đối với tất cả các môn thi trừ môn Ngoại ngữ, người dự thi chứng chỉ CPA phải làm một bài viết trong thời gian 180 phút. Còn đối với môn thi Ngoại ngữ thì người dự thi phải làm bài thi viết trong vòng 120 phút.
Trên đây, VisioEdu đã cung cấp những thông tin quan trọng về điều kiện dự thi CPA. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp chủ động sắp xếp thời gian và lên kế hoạch thi chứng chỉ CPA hiệu quả.
Xem thêm: 7 bí quyết giúp bạn chinh phục chứng chỉ CPA dễ dàng hơn