Giao dịch liên kết tuy không còn là chủ đề mới mẻ nhưng vẫn gây khá nhiều rắc rối cho kế toán và doanh nghiệp. Việc xác định chính xác một doanh nghiệp có giao dịch liên kết hay không góp không nhỏ cho kế toán trong quá trình hạch toán và kê khai thuế.
Một nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc truy thu, xử phạt Thuế liên quan đến đó là hầu hết kế toán không xác định được: Giao dịch vay vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp có phải là Giao dịch liên kết không? Hay có những doanh nghiệp vay vốn ngân hàng ngắn hạn (6 tháng) cao hơn vốn sở hữu nhưng công ty không có nợ trung và dài hạn, như vậy có thuộc trường hợp phát sinh liên kết không? Trong bài viết dưới đây, VisioEdu sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.
1. Vay ngân hàng có phải là Giao dịch liên kết hay không?
Để xác định được vay ngân hàng hoặc vay mượn tiền giám đốc có phải là Giao dịch liên kết hay không, chúng ta đối chiếu vào điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có Giao dịch liên kết (Nghị định số 132).
Điều này quy định: “Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay”.
Khi đó, các giao dịch phát sinh giữa doanh nghiệp và ngân hàng được xác định là có liên kết.
Trường hợp đặc biệt
- Trong kỳ công ty không có các khoản nợ trung và dài hạn thì không thuộc trường hợp xác định là các bên có quan hệ liên kết.
- Doanh nghiệp có quan hệ liên kết nhưng không phát sinh Giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 132 thì không phải thực hiện kê khai.
Do vậy, doanh nghiệp có phát sinh liên kết khi:
- Vay ngân hàng hoặc được ngân hàng bảo lãnh cho vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với mức vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay;
- Chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.
>>> Có thể bạn cũng quan tâm: Khóa học Kê Khai Giao Dịch Liên Kế
2. Có phát sinh Giao dịch liên kết khi vay tiền giám đốc không?
Một vấn đề nữa đó là: Vay mượn tiền không tính lãi của chủ doanh nghiệp có phải là Giao dịch liên kết không?
Trong trường hợp vay mượn tiền giám đốc ở trên, VisioEdu xin phép nhấn mạnh:
- Đây chỉ là giao dịch mượn tiền và không phải là Giao dịch liên kết;
- Giao dịch này không bị khống chế lãi vay cũng như không phát sinh thu nhập chịu thuế.
Tuy nhiên với trường hợp sau:
Công ty do thiếu vốn nên đã vay mượn tiền giám đốc với lãi suất 0%. Cùng với đó, công ty cũng vay ngân hàng để kinh doanh trong 6 năm. Công ty trả dần đến năm 2022 thì dư nợ trung và dài hạn không vượt quá 25% vốn chủ sở hữu có phát sinh Giao dịch liên kết không?
Căn cứ theo điểm l khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132 quy định:
- Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế;
- Vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này.”
Do đó,
- Nếu công ty có phát sinh giao dịch vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với chủ doanh nghiệp là cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp thì được xác định là các bên có quan hệ liên kết.
- Các giao dịch phát sinh giữa các bên liên kết là Giao dịch liên kết và công ty có nghĩa vụ kê khai theo quy định.
Lưu ý:
- Trường hợp một cá nhân trực tiếp tham gia điều hành 2 công ty thì 2 doanh nghiệp này được xác định là các bên có quan hệ liên kết.
- Khi đó, các giao dịch mua bán hàng hóa phát sinh giữa hai công ty phải thực hiện kê khai vào Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 132.
Trong vấn đề này, Cơ quan Thuế đã xây dựng kế hoạch kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn việc vi phạm. Việc xác định các giao dịch có liên kết của các bên đòi hỏi kế toán cần sự hiểu biết rõ ràng về các quy định của pháp luật thuế và chuyển giá để tránh các hậu quả không mong muốn cho doanh nghiệp.
Trên đây VisioEdu đã giải đáp thắc mắc của kế toán về vấn đề vay ngân hàng và vay mượn tiền giám đốc có phải là Giao dịch liên kết hay không. Hy vọng câu trả lời trên sẽ hữu ích giúp kế toán tránh khỏi những sai phạm khi kê khai và quyết toán Thuế.
Có thể bạn quan tâm: