Đơn vị vận chuyển làm mất hàng, bồi thường hàng hóa bị mất bằng tiền nhưng lại nhận hóa đơn giá trị gia tăng thì có được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và có được tính vào chi phí thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN)?
1. VisioEdu nhận được tình huống từ kế toán như sau:
Công ty em hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hoá. Năm 2020, trong quá trình vận chuyển bị mất hàng hoá – giá trị 200 triệu, VAT 20 triệu. Bên đơn vị thuê vận chuyển xuất hoá đơn số lượng, đơn giá của từng loại hàng hoá đã mất này (trong hoá đơn có chú thích: hàng hoá bị mất) . Công ty em đền bằng tiền và chuyển khoản. Vậy hoá đơn này công ty em có được khấu trừ VAT và chi phí này có được tính vào chi phí thuế TNDN không ạ?
2. Quan điểm của chuyên gia tại VisioEdu:
Đầu tiên, VisioEdu xin chia buồn với quý công ty vì đã để xảy ra sự cố làm mất hàng hóa của khách hàng khi cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa. Tại Điều 5 Thông tư 219 năm 2013 quy định về các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT có nêu.
“Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.
Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.”
Vậy có thể thấy, ngoài các chứng từ chứng minh sự cố làm mất hàng hóa là thực tế xảy ra thì chúng ta chỉ cần lập chứng từ thu chi tiền mà cụ thể ở tình huống trên đã làm đó là đền bằng tiền và chuyển khoản qua ngân hàng, sử dụng ủy nhiệm chi. Nếu hình thức chỉ dừng lại ở đó, bên chủ hàng sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của lô hàng bị mất do đã được bồi thường còn với bên vận chuyển, đây chính là chi phí phải gánh chịu do vi phạm hợp đồng và bị phạt và chi phí này hoàn toàn được tính vào chi phí thuế TNDN.
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó, bên chủ hàng lại xuất hóa đơn trả lại cho bên vận chuyển và còn ghi rõ là hàng hóa bị mất. Vấn đề mấu chốt ở đây chính là tờ hóa đơn này.
Hóa đơn là gì? Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và trong quy định về thời điểm lập hóa đơn tại Điều 9 Nghị định 123 cũng không hề nêu trường hợp bồi thường bằng tiền là phải xuất hóa đơn. Vậy cho nên bản thân tờ hóa đơn này, nó đang được sử dụng sai chức năng và đây được coi là sử dụng không hợp pháp hóa đơn. Hóa đơn là một trong các công cụ của cơ quan thuế trong việc kiểm soát, giám sát sự tuân thủ của người nộp thuế và không phải là công cụ để cho các doanh nghiệp “sáng tạo” bởi vì đã có hệ thống văn bản quy định về nó. Hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn là một trong các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ và chế tài của hành vi này là từ 20 triệu đến 50 triệu đồng đối với từng tờ hóa đơn.
Và đương nhiên, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thì hiển nhiên là sẽ không được khấu trừ thuế GTGT và cũng không được tính vào chi phí được trừ.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> Những trường hợp không bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123
>>> Sự khác biệt về thời hạn kê khai của Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn & Tờ khai Thuế