Sổ sách kế toán và tờ khai Thuế là 2 loại giấy tờ mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần lập sau mỗi năm tài chính. Trong đó, sổ sách kế toán là các loại sổ dùng để ghi chép, hệ thống và lưu trữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán. Còn tờ khai Thuế là văn bản theo mẫu do Bộ Tài chính quy định được người nộp thuế sử dụng để kê khai các thông tin nhằm xác định số thuế phải nộp. Tuy nhiên, đôi khi số liệu trên số sách kế toán của doanh nghiệp và tờ khai gửi Cơ quan Thuế lại không khớp nhau, dẫn đến rủi ro trên Báo cáo Tài chính của doanh nghiệp.
Các số liệu sai lệch giữa sổ sách kế toán và tờ khai Thuế thường là sai lệch về:
- Thuế giá trị gia tăng;
- Thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Thuế thu nhập cá nhân.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự sai lệch trên, cùng VisioEdu tìm hiểu về nguyên nhân và một số biện pháp khắc phục để giảm thiểu rủi ro trên Báo cáo Tài chính khi Cơ quan Thuế tới thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp nhé.
1. Sai lệch số liệu về thuế giá trị gia tăng trên sổ sách kế toán và tờ khai Thuế
a) Nguyên nhân:
Nguyên nhân dẫn đến sai lệch về thuế giá trị gia tăng (GTGT) trên sổ sách kế toán và tờ khai Thuế chủ yếu phụ thuộc vào 2 yếu tố:
– Do sự khác biệt về quy định của văn bản Thuế và ghi nhận của kế toán
– Do thời gian kê khai và thời gian ghi sổ
Cùng VisioEdu tìm hiểu chi tiết hơn về 2 nguyên nhân này nhé!
+ Chênh lệch do sự khác biệt về quy định của văn bản Thuế và ghi nhận của kế toán tài chính
Từ khi có Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, điều kiện để doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được khấu trừ thuế GTGT ngày càng trở nên khắt khe hơn. Để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng, chứng từ kế toán cần thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện sau:
- Sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.
- Thỏa mãn quy định về hình thức và nội dung của hóa đơn phải đầy đủ, hợp pháp.
- Đối với các hóa đơn GTGT mua vào có giá trị thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên phải thanh toán không dùng tiền mặt.
Do đó, có nhiều hóa đơn của doanh nghiệp sẽ không đủ điều kiện kê khai khấu trừ thuế GTGT. Nhưng kế toán vẫn hạch toán các hóa đơn này dẫn đến sai lệch số liệu về thuế giá trị gia tăng trên sổ sách kế toán và tờ khai Thuế, do:
- Hóa đơn không phân chia thuế khấu trừ theo mục đích kinh doanh: Chịu thuế và không chịu thuế GTGT.
- Kế toán không phát hiện kịp thời hóa đơn bất hợp pháp, hóa đơn không đủ điều kiện khấu trừ.
- Không điều chỉnh giảm thuế được khấu trừ khi vi phạm nguyên tắc thanh toán. Ví dụ: kế toán dùng tiền mặt thanh toán cho hóa đơn GTGT mua vào có giá trị lớn hơn 20 triệu đồng nhưng không điều chỉnh giảm thuế được khấu trừ trên tờ khai Thuế.
Dẫn đến chênh lệch về thuế giá trị gia tăng trên sổ sách kế toán và tờ khai Thuế. Việc chênh lệch này luôn là cố hữu, gắn với sự khác biệt trong quy định của kế toán tài chính và kế toán thuế.
+ Chênh lệch do thời gian kê khai và thời gian ghi sổ
Sự chênh lệch về thời gian ghi nhận trên sổ sách và trên hóa đơn, chứng từ cũng là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch số liệu về thuế giá trị gia tăng trên sổ sách kế toán và tờ khai Thuế mà VisioEdu muốn bạn nắm rõ.
Theo quy định của Pháp luật, kế toán ghi nhận giao dịch hoặc sự kiện căn cứ vào thời gian phát sinh trên chứng từ. Nhưng thời gian kê khai trên tờ khai Thuế có thể sau thời gian của hóa đơn, chứng từ. Bởi theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có thể kê khai bổ sung thuế GTGT đến trước khi Cơ quan Thuế ra quyết định thanh tra, kiểm tra Thuế. Việc chênh lệch này chỉ mang tính tạm thời giữa các kỳ kê khai tháng (quý) và có thể thống nhất trong kỳ kế toán năm.
Ngoài hai nguyên nhân quan trọng trên còn có một số các lỗi khác của kế toán cũng dẫn tới chênh lệch về số liệu thuế GTGT trên sổ sách kế toán và tờ khai Thuế như: hạch toán hoặc kê khai bỏ sót, trùng lặp, định khoản sai…
Vậy làm thế nào để giảm thiểu các sai sót này trên Báo cáo Tài chính của doanh nghiệp? Cùng VisioEdu tìm hiểu về một số biện pháp ở phần tiếp theo nhé.
b) Một số gợi ý nhằm hạn chế sai sót và chênh lệch về thuế GTGT trên sổ sách kế toán và tờ khai Thuế
Để giúp kế toán hạn chế sai sót và chênh lệch về Thuế giá trị gia tăng, VisioEdu đưa ra một số gợi ý cho kế toán như sau:
– Phát hiện kịp thời hóa đơn bất hợp pháp, hóa đơn không đủ điều kiện khấu trừ thuế GTGT. Ngay khi nhận được hóa đơn, chứng từ kế toán cần kiểm tra đầy đủ về tên đơn vị, mã số thuế, chữ ký… đảm bảo đầy đủ về hình thức của chứng từ.
– Kế toán cần kiểm tra tính hợp pháp của đơn vị xuất hơn đơn từ địa chỉ: http://www.tracuuhoadon.gdt.gov.vn. Sau đó, in giao diện màn hình để làm bằng chứng về tính thời điểm hợp pháp của chứng từ.
– Đối với doanh nghiệp kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ phân loại theo chịu thuế và không chịu thuế GTGT, kế toán cần mở khoản mục chi tiết riêng để theo dõi thuế GTGT được khấu trừ. Trường hợp không phân tách riêng được thì cần dựa trên tiêu thức phân bổ và kỳ phân bổ (theo tỷ lệ doanh thu và kỳ kê khai thuế) theo đúng quy định của Pháp luật hiện hành.
– Với các hóa đơn mua vào có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, kế toán cần lựa chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, có thể là chuyển khoản. Trường hợp chưa thanh toán đến cuối năm tài chính, kế toán cần lập biên bản đối chiếu công nợ với người bán.
– Hàng tháng hoặc hàng quý, kế toán cần kiểm tra đối chiếu giữa tờ khai Thuế giá trị gia tăng và sổ chi tiết tài khoản thuế GTGT được khấu trừ (133), thuế GTGT phải nộp (3331) và thực hiện bút toán kết chuyển thuế giá trị gia tăng được khấu trừ. Điều chỉnh tờ khai và sổ sách kịp thời khi phát hiện chênh lệch.
2. Sai lệch số liệu về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên sổ sách kế toán và tờ khai Thuế
a) Nguyên nhân: Chênh lệch do quy định về thuế TNDN với kế toán tài chính
Tiếo theo, VisioEdu đưa đến cho bạn một nguyên nhân khá quan trong liên quan đến sự chênh lệch về Thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định doanh nghiệp được trừ chi phí nếu các khoản chi đáp ứng điều kiện sau:
- Các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
- Có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật;
- Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ không thanh toán bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó, chi phí được trừ còn bị ràng buộc theo yếu tố chi phí như: khấu hao, tiền lương, chi phí quảng cáo, khuyến mại, chi phí lãi vay…
Thông thường, kế toán thường nhận diện chi phí được trừ theo hình thức khách quan và chủ quan dẫn tới số liệu về thuế Thu nhập doanh nghiệp trên sổ sách kế toán và tờ khai Thuế có thể chênh lệch. Do đó, để hạn chế sai sót và chênh lệch kế toán tại doanh nghiệp cần theo dõi và điều chỉnh các khoản chi của doanh nghiệp kịp thời phù hợp với quy định về chi phí được trừ.
Bên cạnh đó, thuế TNDN được xác định theo số tạm tính từng quý nên thường xuyên tồn tại các khoản chênh lệch của các khoản tạm tính và thực tế. Để hạn chế chênh lệch này, kế toán cần theo dõi sát sao các khoản tạm tính về thuế thu nhâđể có sự điều chỉnh khi lập quyết toán năm.
b) Một số giải pháp gợi ý của VisioEdu về xử lí chênh lệch thuế thu nhập doanh nghiệp trên sổ sách kế toán và tờ khai Thuế
Để hạn chế rủi ro trên Báo cáo Tài chính và tránh những khoản phạt không đáng có từ Cơ quan Thuế, doanh nghiệp cần đội ngũ kế toán kế toán vững chuyên môn.
Do đó, để hạn chế những sai sót và chênh lệch về thuế TNDN, kế toán tại doanh nghiệp cần:
– Luôn cập nhật kiến thức mới, nắm chắc quy định về chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế trong từng thời kỳ.
– Hàng quý, kế toán cần kiểm tra chứng từ đối chiếu với điều kiện chi phí được trừ để xác định lợi nhuận tính thuế. Từ đó có bút toán điều chỉnh chênh lệch phù hợp vào quyết toán năm.
– Nâng cao kỹ năng chuyên môn của kế toán để tránh những sai sót do lỗi chủ quan như: Bỏ quên ngoài sổ sách tài sản, thanh toán bằng tiền mặt cho các hóa đơn từ 20 triệu đồng trở lên,… Bên cạnh đó, kế toán cần nắm vững quy định về mức khấu hao vượt khung của Bộ Tài chính trong từng thời kỳ.
– Kế toán cần lập Quyết toán thuế TNDN, điều chỉnh bổ sung ngay khi phát hiện sai sót trọng yếu. Cần thực hiện điều chỉnh thường xuyên và liên tục bởi thời điểm có quyết định thanh tra của Cơ quan Thuế thì bút toán điều chỉnh không được chấp nhập.
3. Sai lệch số liệu về thuế thu nhập cá nhân trên sổ sách kế toán và tờ khai Thuế
Cuối cùng, VisioEdu muốn nói đến nguyên nhân dẫn đến các chênh lệch về thuế thu nhập cá nhân. Đây cũng là khoản chênh lệch khá quan trọng dẫn đến rủi ro trên Báo cáo Tài chính của doanh nghiệp. Liên quan đến thu nhập tính thuế TNCN, thì khoản tiền lương, tiền công là hai khoản thu phổ biến nhất.
a) Nguyên nhân
Theo quy định của Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được tính bằng tổng số tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.
Tuy nhiên, khi áp dụng tại doanh nghiệp, nhiều kế toán xác định không đúng thu nhập chịu thuế của người nộp thuế; hạch toán không đúng các bút toán. Đặc biệt là các khoản thu nhập có tính chất tiền công, tiền lương ví dụ như các khoản thưởng thành tích cho nhóm… Dẫn đến chênh lệch số liệu về thuế thu nhập cá nhân trên sổ sách kế toán và tờ khai Thuế.
+ Xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân chưa đúng, chưa đủ
Trong quá trình đào tạo kế toán chuyên sâu, VisioEdu nhận thấy:
– Kế toán chưa vững chuyên môn có thể xác định thu nhập chịu thuế của người lao động không đúng. Tách riêng thu nhập theo lương cơ bản tính theo biểu lũy tiến từng phần còn thu nhập tăng thêm và thu khác tính khấu trừ theo vãng lai từng lần phát sinh. Cách tính khấu trừ sai này làm cho người lao động có thu nhập chưa phải nộp thuế lại bị khấu trừ ngay thuế TNCN.
– Kế toán bỏ sót các khoản lợi ích không bằng tiền của người lao động nhận được từ doanh nghiệp: Các khoản này bao gồm tiền nhà, điện, nước hoặc các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp… mà cá nhân được doanh nghiệp chi trả. Theo quy định, các khoản thu nhập này đều chịu thuế nhưng kế toán bỏ sót không tính khấu trừ thuế TNCN của người lao động.
– Kế toán bỏ sót các khoản thuế TNCN phải thu hộ phía cá nhân không cư trú có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.
+ Chênh lệch do kế toán hạch toán không đúng giữa sổ sách kế toán với tờ khai
Việc kê khai thuế thu nhập cá nhân được thực hiện định kỳ, kế toán thông thường kê khai đơn trên tờ khai và hạch toán kép trên sổ sách với thời điểm và số thuế tại từng thời điểm khác nhau nên chưa phản ánh đầy đủ số thuế theo tờ khai.
b) Một số giải pháp VisioEdu gợi ý cho bạn về xử lý chênh lệch thuế thu nhập cá nhân
Nhằm hạn chế chênh lệch về Thuế thu nhập doanh nghiệp trên sổ sách kế toán và tờ khai Thuế, giảm thiểu rủi ro trên Báo cáo Tài chính khi doanh nghiệp có thanh tra, kiểm tra từ Cơ quan Thuế, kế toán cần:
– Thưck hiện định kỳ hàng quý và hàng năm, đối chiếu chi tiết tài khoản Phải trả người lao động (334), tài khoản Thuế TNCN (3335) với tờ khai thuế TNCN. Để có thể điều chỉnh kịp thời khi phát sinh chênh lệch thuế thu nhập cá nhân trên tờ khai Thuế và trên sổ sách kế toán.
– Xác định rõ người nộp thuế và các khoản thu nhập chịu thuế của người lao động tại doanh nghiệp. Đặc biệt lưu ý các cá nhân không cư trú ở Việt Nam cần khấu trừ nghĩa vụ thuế TNCN của đối tượng này.
– Luôn nhắc nhở và hướng dẫn người lao động hoàn thành đủ giấy tờ và các thủ tục giảm trừ gia cảnh.
Trên đây là chia sẻ của VisioEdu về nguyên nhân sai lệch số liệu giữa sổ sách kế toán & tờ khai Thuế và biện pháp khắc phục. Hy vọng với những chia sẻ trên, bạn đã biết cách hạn chế sai lệch về số số liệu nhằm giảm thiểu rủi ro khi có thanh tra, kiểm tra Thuế.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> Bộ 24 chỉ tiêu nhận diện rủi ro Báo cáo Tài chính
>>> Giải pháp khi doanh thu kế toán trên Báo cáo Tài chính khác doanh thu tính Thuế