VisioEdu nhận được câu hỏi từ một bạn kế toán như sau: “Sếp em đi nước ngoài khám sức khỏe, số tiền công ty chi trả khoảng 500 triệu đồng, bây giờ cần phải có những chứng từ gì để tính là chi phí của công ty ạ?”
Trả lời:
Đối với quy định về thuế tại Việt Nam, mỗi sắc thuế đều có cách tiếp cận khác nhau dựa trên các nguyên tắc xây dựng khác nhau dẫn đến việc thực hiện nghĩa vụ của mỗi loại thuế cũng khác nhau. Tuy nhiên có thể thấy, doanh nghiệp là đối tượng thực hiện nhiều các nghĩa vụ thuế nhất trong quá trình hoạt động, bởi các mối liên hệ với nhiều đối tượng thuế khác nhau (thuế GTGT, thuế TNCN,….). Chính điều này gây ra những nhầm lẫn cho người làm công tác thực thi trong doanh nghiệp (thường là bộ phận kế toán) trong việc ghi nhận các khoản chi phí và từ đó xác định nghĩa vụ thuế của mình.
Trong bài viết này, VisioEdu sẽ phân tích một số quy định pháp luật hiện hành liên quan đến chi phí khám chữa bệnh cho người lao động có được tính là chi phí được trừ theo 2 góc độ: theo quy định từ thuế thu nhập cá nhân và theo quy định từ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Có lẽ chúng ta sẽ phải nhìn vấn đề ghi nhận chi phí khám chữa bệnh cho người lao động từ nhiều góc độ để có thể hiểu, có thể giải đáp được tình huống ban đầu.
Nhìn từ góc độ phúc lợi khám chữa bệnh theo quy định từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
Thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản sau g.1 điều 2 TT111/2013/TT-BTC quy định:
– “Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động.”
Nhìn từ góc độ chi phí liên quan theo quy định từ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Khám chữa bệnh được ghi nhận là chi phí được trừ của doanh nghiệp khi nằm trong các trường hợp theo quy định tại TT78/2014/TT-BTC.
Theo Khoản 2.2 Điều 6 quy định:
– “Riêng tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: …phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh…”
Khoản 2.9 Điều 6 quy định:
– “Chi phí tổ chức khám sức khỏe thêm trong năm như khám bệnh nghề nghiệp, mãn tính hoặc phụ khoa cho nữ công nhân viên.”
Khoản 2.31 Điều 6 quy định:
– “Các khoản thực chi cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc của doanh nghiệp…”
Từ các quy định trên ta có thể thấy một vài đầu mục liên quan tới chăm sóc sức khoẻ cho người lao động được ghi nhận là chi phí được trừ của doanh nghiệp, trong đó liên quan tới khám bệnh sẽ chỉ được thể hiện tại Khoản 2.9 điều 6, với phạm vi là khám bệnh chứ không nhắc tới các chi phí điều trị cho người lao động.
Tiếp theo, VisioEdu sẽ cùng bạn tìm hiểu rõ hơn về bệnh nghề nghiệp và mãn tính được hiểu như thế nào trong phạm vi này?
Tại khoản 9 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về bệnh nghề nghiệp là “bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động”.
Theo Wikipedia, bệnh mãn tính được hiểu là “bệnh tiến triển dần dần và kéo dài, thời gian bệnh từ 3 tháng trở lên. Bệnh mãn tính thường gặp bao gồm những bệnh không truyền nhiễm như viêm khớp, bệnh hen suyễn, ung thư, bệnh tiểu đường và các bệnh do virus gây ra như viêm gan siêu vi C và HIV/AIDS”.
Chi 500 triệu cho Sếp đi chữa bệnh có được ghi nhận là chi phí được trừ của công ty
Theo các quy định mà VisioEdu đã đưa ra ở trên, vấn đề này được nhìn nhận dưới 2 góc độ sau:
- Đối với quy định trong thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thì hoạt động khám và chữa bệnh (các loại bệnh hiểm nghèo) sẽ được miễn khỏi nghĩa vụ thuế.
- Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ chỉ được ghi nhận với tài sản phục vụ khám chữa, hay các hoạt động khám chữa định kỳ, các bệnh hiểm nghèo, mãn tính và phụ khoa (cho nhân viên nữ).
Điều này được hiểu là khi chi trả cho người lao động thì những “lợi ích” mà người lao động nhận được không phải tính thuế TNCN. Còn đối với thuế TNDN, nếu xét theo góc độ chi phí liên quan thì do không đáp ứng các điều kiện được trừ, cũng không nằm trong các trường hợp loại trừ khỏi nguyên tắc nên không được ghi nhận là chi phí cho doanh nghiệp.
Sự khác biệt này là bởi nguyên tắc thị trường, người lao động và doanh nghiệp được xét trên mối quan hệ cộng tác, mua bán, trao đổi. Người lao động sẽ bán sức lao động (chân tay, hay trí óc) và người mua sẽ là các doanh nghiệp, người bán sẽ phải đảm bảo chất lượng hàng hoá của mình khi cung cấp trên thị trường, bởi vậy các chi phí liên quan tới loại “hàng hoá” đặc biệt này người lao động sẽ là người chịu trách nhiệm. Các chính sách hỗ trợ khác, không nằm theo nguyên tắc chi phí được trừ khi liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì đa phần sẽ không được ghi nhận, chỉ một số trường hợp về chi phí cụ thể khác không liên quan tới hoạt động tạo ra doanh thu của doanh nghiệp được ghi nhận thì đã được quy định rõ trong các văn bản liên quan.
Vậy nếu chỉ dừng lại ở các quy định trên thì ta đã có thể kết luận là chi phí khám bệnh cho giám đốc ở nước ngoài với dự trù ngân sách là 500 triệu sẽ bị tính thuế TNCN, còn doanh nghiệp sẽ không được tính vào chi phí được trừ.
Nhưng VisioEdu muốn bạn xem xét thêm một quy định nữa được bổ sung từ năm 2018 đối với thuế TNDN Khoản 4 Điều 3 TT 25/2018/TT-BTC quy định như sau:
– “Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: …, chi hỗ trợ Điều trị; … chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; … và những Khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.”
Trong quy định trên, có nội dung liên quan đến vấn đề chúng ta đang xét đến đó là chi hỗ trợ điều trị. Chi hỗ trợ điều trị được hiểu là người bệnh đang mắc một căn bệnh mà theo yêu cầu của bệnh viện, người bệnh phải nằm điều trị và phát sinh các loại chi phí điều trị liên quan. Khi đó, doanh nghiệp hỗ trợ cho người bệnh (là người lao động của doanh nghiệp) một phần chi phí điều trị là một hành vi rất đáng khuyến khích nên Cơ quan Thuế chấp nhận cho tính vào chi phí được trừ, nhưng sẽ bị giới hạn theo quỹ phúc lợi – tương đương một tháng lương bình quân.
Vậy có thể kết luận, doanh nghiệp cần xác định lại “khám chữa bệnh” trong trường hợp trên cho giám đốc là loại khám chữa gì, bệnh gì, có nằm trong trường hợp phải điều trị hay không.
- Quy định đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): sẽ được ghi nhận vào chi phí được trừ, theo nguyên tắc ghi nhận của chi phí phúc lợi.
- Đối với thuế thu nhập cá nhân (TNCN): sẽ được miễn trừ tương ứng với chi phí được trừ giống như quy định trong thuế TNDN (không quá 1 tháng lương bình quân thực hiện).
Thậm chí, nếu bệnh đó là nằm trong danh mục bệnh hiểm nghèo, giám đốc còn được xin xét miễn giảm thuế tương ứng với chi phí điều trị phát sinh trong năm theo quy định tại Điều 4 TT111: “…người nộp thuế gặp khó khăn do… bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp”.
Trên đây là phân tích của VisioEdu về các quy định liên quan đến chi phí khám chữa bệnh cho người lao động có được tính là chi phí được trừ của doanh nghiệp hay không dưới hai góc độ Thuế thu nhập cá nhân và Thuế thu nhập doanh nghiệp. Hy vọng với phân tích trên bạn đã hiểu rõ bản chất các quy định của Thuế về chi phí được trừ liên quan đến chi phí khám chữa bệnh cho người lao động.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> Cách tính Thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài thông qua đối tượng cư trú
>>> Hướng dẫn Công ty mẹ lập tờ khai Quyết toán Thuế TNCN khi nhận được ủy quyền