Chuyên đề về Hóa đơn điện tử luôn được kế toán quan tâm hàng đầu, bởi hàng loạt các nghiệp vụ kinh tế phát sinh diễn ra mỗi ngày đều liên quan chặt chẽ đến hóa đơn. VisioEdu đã nhận: được rất nhiều câu hỏi của kế toán trên khắp cả nước về vấn đề hóa đơn điện tử. Chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Minh – Tổng giám đốc tại VisioEdu đã tổng hợp 4 vấn đề lớn kế toán hay gặp phải về hóa đơn điện tử kế toán hay gặp phải nhất và đưa ra hướng dẫn chi tiết ở phần dưới đây!
1. Đơn vị tiền tệ trên hóa đơn điện tử
Câu hỏi: Hóa đơn lập bằng tiền đồng Việt Nam có được viết đơn vị thấp hơn đơn vị đồng, viết số tiền sau dấu “,” hay không? Tức là có số thập phân theo tiền đồng hay không?
Trả lời từ chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Minh:
Chúng ta có thể hiểu câu hỏi trên là, nếu hóa đơn điện tử viết ghi số tiền là 10.000,56 đ thì liệu có đúng hay không?
Chúng ta cùng xem xét, trong trường hợp này, chúng ta sẽ viết số tiền trên theo chữ như thế nào nhỉ? Chúng ta sẽ phải viết là: “mười nghìn năm hào sáu xu”.
Nếu viết như thế thì hoàn toàn là sai với quy ước về đơn vị tính trên hóa đơn. Theo quy định mới nhất, Cơ Quan Thuế hiện nay yêu cầu lập hóa đơn theo đơn vị tính là tiền đồng. Vì vậy, khi hóa đơn có phát sinh số tiền lẻ sau đơn vị đồng thì chúng ta sẽ làm tròn theo nguyên tắc:
- Sau dấu phẩy, từ 5 trở lên sẽ được làm tròn thành 1 đồng.
- Sau dấu phẩu, từ 5 trở xuống sẽ được làm tròn thành 0 đồng.
Như vậy đơn vị tính trên tờ hóa đơn sẽ đảm bảo đúng đơn vị tính là tiền Đồng Việt Nam.
>>> Có thể bạn cũng quan tâm: 5 bước hủy hóa đơn điện tử theo thông tư 78
2. Chữ viết trên hóa đơn
Câu hỏi: Hóa đơn điện tử có được viết bằng tiếng Việt không dấu không?
Trả lời:
Căn cứ theo khoản 13 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về nội dung của hóa đơn như sau:
“a) Chữ viết hiển thị trên hóa đơn là tiếng Việt. Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ chữ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Trường hợp chữ trên hóa đơn là chữ tiếng Việt không dấu thì các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn.”
Như vậy, theo quy định thì hóa đơn điện tử hoàn toàn có thể viết bằng tiếng Việt không dấu. Nhưng khi viết không dấu, kế toán lưu ý đảm bảo rằng nội dung không gây nhầm lẫn dẫn đến hiểu sai lệch là được.
>>> Có thể bạn cũng quan tâm: Khóa học chuyên sâu nhất về Thuế và hóa đơn điện tử
3. Hóa đơn điện tử có bắt buộc viết dấu (.) sau đơn vị tính hàng nghìn, hàng triệu hay không?
Câu hỏi: Công ty em lập hóa đơn điện tử, nhưng sau đơn ví tính hàng nghìn sử dụng dấu (,) mà không dùng dấu (.), như vậy đúng hay sai?
Trả lời:
Để làm rõ vấn đề này, chúng ta cùng tìm hiểu quy định tại Điểm b, Khoản 13, Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định như sau:
“b) Chữ số hiển thị trên hóa đơn là chữ số Ả-rập: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Người bán được lựa chọn: sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ phải đặt dấu chấm (.), nếu có ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,) sau chữ số hàng đơn vị hoặc sử dụng dấu phân cách số tự nhiên là dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ và sử dụng dấu chấm (.) sau chữ số hàng đơn vị trên chứng từ kế toán.”
Theo quy định, cách biểu thị tiền tệ trên hóa đơn điện tử hoàn toàn có thể được sử dụng dấu (,) hoặc dấu (.) để phân cách chữ số hàng nghìn, hàng triệu. Nhưng lưu ý, khi sử dụng dấu phân cách, đơn vị phải có tính nhất quán trong mọi tờ hóa đơn.
Thông thường, kế toán hay sử dụng dấu (.) để phân cách chữ số hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỉ. Vì vậy, để tránh nhầm lẫn, công ty bạn cũng nên quy ước và sử dụng dấu phân cách là dấu (.).
4. Hóa đơn điện tử có được in ra không?
Câu hỏi: Công ty em muốn in hóa đơn điện tử để tiện lưu trữ, ghi sổ và theo dõi, vậy hóa đơn điện tử có được in ra không?
Trả lời:
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 6 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về việc bảo quản, lưu trữ hóa đơn, chứng từ như sau:
“2. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử được bảo quản, lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn và áp dụng hình thức bảo quản, lưu trữ hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phù hợp với đặc thù hoạt động và khả năng ứng dụng công nghệ. Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử phải sẵn sàng in được ra giấy hoặc tra cứu được khi có yêu cầu.”
Như vậy, theo quy định trên thì doanh nghiệp được quyền in hóa đơn điện tử ra giấy và lưu trữ bản giấy để tiện cho quá trình ghi sổ, lưu trữ và theo dõi. Việc in hóa đơn điện tử ra giấy giúp doanh nghiệp tiện lợi hơn, đồng thời đảm bảo cung cấp đầy đủ hóa đơn khi có yêu cầu kiểm tra từ Cơ quan thuế.
Trên đây là 4 tình huống về hóa đơn điện tử kế toán hay vướng mắc. Hy vọng với phân tích và giải đáp từ đội ngũ chuyên gia tại VisioEdu sẽ giúp bạn tự tin xử lý chính xác các tình huống liên quan đến hóa đơn điện tử tại doanh nghiệp.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> Hóa đơn đầu vào có sau hóa đơn đầu ra có được tính vào chi phí được trừ hay không
>>> Cách xử lý với từng trường hợp kê khai thừa hóa đơn đầu vào