Nhớ một lần, khi đi kiểm toán một đơn vị sản xuất thiết bị xây dựng điện, doanh nghiệp này cũng khá lớn, gồm 3 công ty con, tôi gặp một chị Kế toán trưởng đã khá cứng tuổi nhưng phải nói thật là còn khá xinh. Công việc khởi đầu thuận lợi, hai bên làm quen và phối hợp với nhau rất ăn ý. Và cũng phải công nhận rằng, công tác kế toán của đơn vị được tổ chức rất chuyên nghiệp.
Khi làm đến chi tiết nguyên vật liệu, tôi bắt gặp mặt hàng khá lạ, đó là điện sản xuất, được theo dõi trên tài khoản 152. Khi ngồi uống nước, tôi có hỏi :”Tại sao chị lại nhập kho chi phí điện?” và bất ngờ, tôi nhận được câu trả lời :”Tại sao điện lại không được nhập kho?”. Câu trả lời với một giọng nhẹ nhàng nhưng cũng đủ chất cứng rắn, dứt khoát trong đó. “Máu” nghề bỗng chốc bừng lên trong người, tôi cảm thấy một luồng điện bốc ngược lên đầu rồi tràn xuống mặt, phừng phừng. Vớ vẩn, không lẽ một người như chị… Thoáng một chút thôi, rồi tôi chợt nhận ra, vẻ mặt của chị hiện rõ sự tự tin, lòng tin rằng mình đang làm đúng, mà hoàn toàn không có chút nào “khiêu khích” cả.
Hàng ngày, khi làm bất cứ một việc gì, dù nhỏ thôi, chúng ta luôn phải ra quyết định, có ăn sáng hay không, hay vượt bên nào khi gặp một… con bò đang nghênh ngang trên đường chúng ta đi làm. Chúng ta sẽ vượt bên trái hay bên phải khi chúng ta có một lòng tin rằng, con bò sẽ không bất thần liều lĩnh quặt ngang sang bên đó.
Vậy lòng tin lấy ở đâu ra để cho chúng ta quyết định đúng sai?
Mỗi cá nhân, tùy theo năng lực của mình, trong từng hoàn cảnh sẽ có “hệ quy chiếu” riêng để đánh giá sự việc. Xét theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang. Khi tuổi đời càng cao, khả năng ra quyết định của con người càng chín chắn hơn, tức xét theo chiều dọc. Còn theo chiều ngang, ở cùng một độ tuổi, khả năng ra quyết định cũng sẽ rất khác nhau tùy theo lĩnh vực… Minh chứng là có những anh chàng 40 tuổi hoặc hơn, năng lực chuyên môn chắc chắn ít người bằng, nhưng khả năng xử lý… tình trường còn thua mấy cậu thanh niên choai choai, vừa vỡ giọng.
Con người khi mới được sinh ra, sẵn sàng bỏ mọi thứ vào mồm chỉ để đạt mục đích tồn tại. Dần dần, các tiêu chuẩn xét đoán sẽ được nâng cấp theo tri thức và trải nghiệm mà anh ta thu được. Lòng tin cũng trở nên cẩn trọng hơn theo đó.
Có nhiều cách để tìm kiếm lòng tin. Cô gái già quá lứa tìm kiếm lòng tin cho tương lai ở ông thầy bói, rồi về hồi hộp chờ kết quả đúng – sai. Anh kỹ sư tìm kiếm lòng tin cho một thiết kế mẫu điện thoại smartphone mới ở ông thầy tri thức. Câu chuyện tưởng cũ, mà giờ vẫn nguyên giá trị.
Trong công cuộc tìm kiếm lòng tin, hay nói cách khác, tìm chỗ để đặt niềm tin, chúng ta thường luôn cố đưa mình vào hệ quy chiếu của những người mà chúng ta cảm thấy họ đã thành đạt. Tỷ phú nọ, top 100 thế giới, hàng ngày ăn gì, làm gì, thói quen thế nào, tư thế ngủ ra sao… chúng ta đều lấy đó làm mẫu mực. Sách viết cách họ hắt hơi bán đắt như tôm tươi, luôn là best selling. Chả vậy, ngay câu đùa “Xanh – Sạch – Xinh” của họ lập tức đã nhanh chóng được công thức hoá chiến lược lựa chọn đối tác cho nhiều nhà đầu tư rồi còn gì. Làm vậy có khác gì cách hành xử của cô gái đó không?
Niềm tin đối với nghề, đặc biệt là nghề kế toán, phải được xây dựng bằng kiến thức thực sự. Không thể theo kiểu suy diễn, điện cũng là nhiên liệu giống như xăng, dầu, than… vậy xăng dầu nhập kho thì điện cũng nhập kho được.
Hệ thống chuẩn mực kế toán, xét trên cách nhìn tổng quan nhất, đó chính là bộ tiêu chuẩn để chúng ta xét đoán sự việc và đặt lòng tin đúng chỗ. Nhờ có bộ tiêu chuẩn này mà người kế toán, khi lập ra các báo cáo tin rằng kết quả làm việc của mình sẽ đem lại lợi ích cho rất nhiều người. Và cũng nhờ có bộ tiêu chuẩn này mà người đọc báo cáo, cho dù không biết gì về nghề kế toán, giống như khi chúng ta ngóng nghe tin về số lượng người mắc Covid hàng ngày trên tivi vậy, có thể không hiểu cơ chế thu thập thông tin, nhưng chúng ta đều có một lòng tin, số liệu đó là chính xác.
Vậy mà, cho đến tận bây giờ, tôi có một lòng tin rằng (rất có cơ sở nhé), nhiều người làm kế toán nhưng chưa từng một lần, đọc hết các chuẩn mực kế toán, để rồi, như chị Kế toán trưởng trên đây, suy diễn.