Phần đa trong các tình huống giá tính thuế giá trị gia tăng, doanh thu tính thu nhập chịu thuế thuế thu nhập doanh nghiệp và doanh thu kế toán là cùng thời điểm. Nhưng xen lẫn trong sự đa dạng của các quan hệ kinh tế vẫn có những trường hợp thời điểm xuất hiện của 3 loại doanh thu trên trong cùng một quan hệ kinh tế là không đồng thời. Để bạn dễ hình dung hơn, VisioEdu sẽ giúp bạn tìm hiểu về 3 loại doanh thu trên nhé!
1. Thời điểm ghi nhận doanh thu
1.1 Thời điểm ghi nhận Doanh thu kế toán
Doanh thu kế toán được ghi nhận theo chuẩn mực kế toán về doanh thu tại chuẩn mực kế toán số 14 về Doanh thu và thu nhập khác.
1.2 Thời điểm ghi nhận Giá tính thuế Giá trị gia tăng
Giá tính thuế Giá trị gia tăng được xác định tại thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền và hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Ngoài ra, Bộ Tài Chính hướng dẫn cụ thể về thời điểm xác định thuế GTGT đối với một số trường hợp đặc thù.
1.3 Thời điểm ghi nhận Doanh thu tính thuế Thu nhập doanh nghiệp
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp xuất hiện tại thời điểm thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua hoặc thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ
Thoạt nhìn có thể thấy sự giống nhau giữa các 3 loại trên nhưng hãy cùng xem xét ví dụ sau đây để hiểu rõ hơn bản chất cũng như sự khác biệt về thời điểm xác định doanh thu kế toán, giá tính thuế giá trị gia tăng và doanh thu để tính thu nhập chịu thuế TNDN.
2. Tình huống thực tế về thời điểm ghi nhận doanh thu
Tình huống của học viên gửi về cho VisioEdu như sau:
Doanh nghiệp có 2 văn phòng giống y hệt nhau và cùng cho thuê từ 01/01/N trong vòng 3 năm:
– Căn 1: Hợp đồng miễn phí năm đầu. Năm 2 và Năm 3 mỗi năm 15 triệu. Bên thuê thanh toán tiền thuê tại ngày cuối cùng năm 3 là 30 triệu.
– Căn 2: Hợp đồng cho thuê mỗi năm 10 triệu. Bên thuê cũng thanh toán tiền thuê tại ngày cuối cùng năm 3 là 30 triệu.
Chi phí khấu hao của mỗi căn nhà là 7 triệu/năm.
Cùng xem xét nghĩa vụ về hóa đơn, thuế GTGT và thuế TNDN trong 2 trường hợp trên.
3. Câu trả lời của chuyên gia tại VisioEdu cho tình huống trên
Tình huống đưa ra trên đều là thu tiền cuối kỳ, sau 3 năm doanh thu tổng đều là 30 triệu và khấu hao 3 năm đều là 21 triệu, nhưng lại có những đối xử khác biệt như sau:
Đầu tiên cùng xem xét tiêu chí đơn vị tính trong cả 2 trường hợp này đều là năm, đây là tiêu chí căn cứ xác định dịch vụ hoàn thành nên chắc chắn ở tình huống trên thì thời điểm xuất hóa đơn để ghi nhận các nghĩa vụ thuế sẽ rơi vào 31/12. Đơn vị tính theo tháng thì cuối tháng sẽ phải xuất hóa đơn theo tháng.
Nhưng đơn vị tính là năm và người ta thuê thời hạn 1 năm từ 01/07 thì hóa đơn sẽ phải xuất khi nào? Ở đây, dù đơn vị tính là năm nhưng tại thời điểm 31/12 chúng ta đã xác định được một cách chắc chắn là dịch vụ này đã hoàn thành được 50% (Từ tháng 7 đến tháng 12 là 6 tháng) và theo chuẩn mực kế toán số 14 thì đây là một trong bốn điều kiện ghi nhận doanh thu cung cấp dịch vụ đó là khi xác định được phần công việc đã hoàn thành và ngày lập Bảng Cân đối kế toán. Lúc này chúng ta sẽ phải xuất hóa đơn để ghi nhận dịch vụ đã hoàn thành được một phần công việc hoàn thành.
Trở lại tình huống:
Tình huống 1: Năm đầu tiên được miễn tiền thuê nhà và 2 năm sau thu đều 15 triệu/năm có nghĩa là năm đầu tiên tiền thuê nhà là 15 triệu và doanh nghiệp miễn tiền thuê cho người đi thuê, lúc này ngay lập tức giao dịch trở thành phi thương mại, đây là một giao dịch cho biếu tặng và doanh nghiệp sẽ phải xuất hóa đơn tương ứng phần giá trị cho tặng đó là xuất hóa đơn 15 triệu và ngay lập tức đi nộp 10% thuế giá trị gia tăng tương ứng 1,5 triệu. Ở năm thứ 2 và năm thứ 3 lần lượt đến ngày 31/12, doanh nghiệp sẽ xuất hóa đơn tương ứng với doanh thu là 15 triệu.
Tình huống 2: Doanh nghiệp vào ngày 31/12 hàng năm sẽ xuất hóa đơn ghi nhận doanh thu 10 triệu.
31/12/N | 31/12/N+1 | 31/12/N+2 | ||
Trường hợp 1 | Hóa đơn | Xuất hóa đơn ghi nhận một khoản cho biếu tặng | Xuất hóa đơn ghi nhận giá tính thuế GTGT và doanh thu là 15 triệu | Xuất hóa đơn ghi nhận giá tính thuế GTGT và doanh thu là 15 triệu |
Giá tính thuế GTGT | 15 triệu | 15 triệu | 15 triệu | |
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế TNDN | 0 | 15 triệu | 15 triệu | |
Chi phí | 7 triệu | 7 triệu | 7 triệu | |
Trường hợp 2 | Hóa đơn | Xuất hóa đơn ghi nhận giá tính thuế GTGT và doanh thu là 10 triệu | Xuất hóa đơn ghi nhận giá tính thuế GTGT và doanh thu là 10 triệu | Xuất hóa đơn ghi nhận giá tính thuế GTGT và doanh thu là 10 triệu |
Giá tính thuế GTGT | 10 triệu | 10 triệu | 10 triệu | |
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế TNDN | 10 triệu | 10 triệu | 10 triệu | |
Chi phí | 7 triệu | 7 triệu | 7 triệu |
Người đặt ra tình huống trên có lẽ là nắm rất rõ các nguyên tắc, quy định trên và cũng thể hiện sự thông minh thông qua cách đặt tình huống, một vấn đề mà cần giải quyết nó, chúng ta cần có kiến thức và góc nhìn tổng quát về các nghĩa vụ thuế liên quan đến một hợp đồng kinh tế phát sinh.
Trên đây là phân tích của VisioEdu về Thời điểm xác định Giá tính thuế Giá trị gia tăng, doanh thu tính thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp và doanh thu kế toán. Hy vọng với những phân tích này bạn đã biết cách ghi nhận giá tính thuế và doanh thu phát sinh tại doanh nghiệp mình một cách chính xác.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> Giá tính thuế Giá trị gia tăng đối với từng hoạt động sản xuất kinh doanh được xác định như thế nào?