Với xu thế đầu tư nước ngoài gia tăng trong điều kiện hội nhập, để hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có cùng góc nhìn từ bức tranh tài chính, Việt Nam đang trong lộ trình tiếp cận và chuyển đổi từ Chuẩn mực kế toán Việt Nam sang Chuẩn mực Kế toán Quốc tế cho các doanh nghiệp. Sự khác biệt giữa hai chuẩn mực kế toán được nhìn nhận ở rất nhiều góc độ.
Trong bài viết này, Chuyên gia Nguyễn Ngọc Minh – Giám đốc đào tạo tại VisioEdu sẽ phân tích về công tác kế toán sử dụng khi ghi nhận giá trị tài sản, đó là mô hình “Đánh giá lại tài sản” theo quy định Pháp luật tại Việt Nam.
- Định nghĩa “Đánh giá lại tài sản”
Đánh giá lại tài sản là phương pháp kế toán dùng để ghi nhận giá trị tài sản sau khi ghi nhận ban đầu bên cạnh mô hình giá gốc.
Việc áp dụng những mô hình đánh giá sau ghi nhận ban đầu khác nhau thường sẽ có ảnh hưởng đến các thông tin tài chính được cung cấp trên các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp.
Quy định đánh giá lại tài sản theo Pháp luật Việt Nam có nhiều điểm khác so với quy định trong Chuẩn mực Kế toán Quốc tế, làm doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng. Để giúp kế toán hiểu rõ hơn vấn đề này, tiếp theo VisioEdu sẽ phân tích kỹ hơn về quy định đánh giá lại tài sản theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế và theo Pháp luật Việt Nam. Chúng ta cùng tìm hiểu những ưu và nhược điểm của các quy định này nhé!
- Phân tích quy định “Đánh giá lại tài sản” theo Chuẩn mực Kế toán Quốc tế
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Minh tại VisioEdu, mô hình đánh giá lại tài sản có ưu điểm là đảm bảo tài sản được phản ánh trên báo cáo tài chính theo mức giá kỳ vọng chung của thị trường tại thời điểm đánh giá. Vì ưu điểm trên nên mô hình đánh giá lại tài sản sau ghi nhận ban đầu đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Ví như các quốc gia áp dụng theo Chuẩn mực kế toán Quốc Tế (ACCA) có quy định tại đoạn 31 của IAS: “Sau khi ghi nhận ban đầu, tài sản có giá trị hợp lý có thể đo lường một cách đáng tin cậy sẽ được xác định theo giá trị đánh giá lại. Đó là giá trị hợp lý tại ngày đánh giá trừ đi khấu hao luỹ kế và các khoản lỗ do tổn thất tài sản. Quá trình đánh giá lại cần thực hiện một cách đầy đủ và thường xuyên để giá trị còn lại của tài sản không khác biệt quá lớn với giá trị”.
Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới giá trị của tài sản không đúng theo giá trị sổ sách như: Sự thay đổi công nghệ, môi trường kinh tế và pháp lý của tài sản, dấu hiệu hư hỏng lỗi thời của tài sản…. thì cần phải đánh giá lại giá trị tài sản.
VisioEdu nhận thấy, tần suất của việc đánh giá lại phụ thuộc bản chất tài sản, có những tài sản đánh giá thường xuyên do sự thay đổi liên tục của giá trị thị trường, có những tài sản đánh giá định kỳ sau 3 đến 5 năm.
- Phân tích quy định “Đánh giá lại tài sản” theo Pháp luật Việt Nam
Tiếp theo, để bạn hiểu rõ hơn vê mô hình đánh giá lại tài sản theo quy định của Pháp luật Việt Nam, VisioEdu sẽ cùng bạn tìm hiểu về một số quy định hiện hành liên quan đến vấn đề này nhé.
Đối với quy định tại Việt Nam hiện nay, theo chuẩn mực kế toán VAS 03 và căn cứ theo thông tư 45/2013/TT-BTC về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định thì nguyên giá tài sản cố định của doanh nghiệp chỉ được thay đổi trong một số trường hợp:
“a) Đánh giá lại giá trị tài sản cố định (TSCĐ) trong các trường hợp:
Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần, chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn.
– Dùng tài sản để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.
b) Đầu tư nâng cấp TSCĐ.
c) Tháo dỡ một hay một số bộ phận của TSCĐ mà các bộ phận này được quản lý theo tiêu chuẩn của 1 TSCĐ hữu hình.
….”
Bên cạnh đó, chuẩn mực cũng đòi hỏi rất nhiều điều kiện liên quan khiến cho quy định về đánh giá lại tài sản tại Việt Nam bị giới hạn chỉ được phép thực hiện trong một số trường hợp, bởi:
- Đòi hỏi thị trường hoạt động một cách hoàn chỉnh để việc xác định giá trị hợp lý có thể đáng tin cậy.
- Chưa có nhiều phương thức đánh giá lại tài sản, hiện nay tại Việt Nam đa phần sẽ sử dụng dịch vụ thẩm định giá của các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động theo quy định để xác định lại giá trị tài sản. Đôi khi định giá còn mang tính chủ quan do có nhiều yếu tố không xác định được giá trị hay không có giá trị so sánh.
- Chi phí thực hiện đánh giá lại tốn kém.
- Gây khó khăn trong việc ghi chép, hay cho công tác quản lý khi giá trị tài sản biến động theo giá thị trường (đặc biệt là đối với những tài sản có sự biến động lớn như: Bất động sản, máy móc, tài sản mang đặc tính công nghệ, các loại tài sản vô hình như Bản quyền, thương hiệu,….)
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Minh tại VisioEdu nhận định:
“Quy định đánh giá lại tài sản chỉ được áp dụng cho một số ít các trường hợp trên gây lên hạn chế trong việc định giá doanh nghiệp của các nhà đầu tư. Là một trong những nguyên nhân khiến các thông tin tài chính tưởng chừng minh bạch trên Báo cáo tài chính lại như những chiếc “bánh vẽ” khiến người đọc không nhìn ra bản chất hoạt động của doanh nghiệp.
Để hội nhập toàn cầu, chế độ kế toán tại Việt Nam buộc sẽ phải có những thay đổi để phù hợp hơn với thời cuộc, và thông lệ quốc tế. Như bạn đã biết, bước đầu Bộ tài chính đã có lộ trình chuyển đổi các chuẩn mực kế toán cho các doanh nghiệp trong nước, tiếp tới đây tôi dự đoán rằng sẽ có cả hệ thống chính sách (từ các quy định của Luật kế toán, tới chuẩn mực, tới các quy định về thuế), tới lực lượng lao động sẽ cần cập nhập, nâng cao kiến thức, và hiểu biết về nghề; tới môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ cùng thay đổi để trở lên minh bạch hơn.”
Trên đây là một số phân tích của chuyên gia Nguyễn Ngọc Minh tại VisioEdu về quy định “Đánh giá lại tài sản” theo Pháp luật Việt Nam. Hy vọng với những chia sẻ hữu ích trên đây đã giúp bạn có cái nhìn khách quan và hiểu rõ về bản chất mô hình “Đánh giá lại tài sản”, cũng như ứng dụng mô hình này phù hợp với thực tế công tác kế toán trong doanh nghiệp của bạn.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> Phân tích quy định khống chế lãi vay được trừ đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Vốn mỏng)