Báo cáo tài chính là một trong những nghiệp vụ quen thuộc của mỗi kế toán. Tuy nhiên công việc này đòi hỏi sự chỉn chu, chính xác và hiệu quả để hạn chế tối đa rủi ro sai sót. Vì vậy bài viết dưới đây, VisioEdu gửi tới bạn hướng dẫn lập Báo cáo Tài chính chi tiết nhất và chính xác nhất.
1. Những quy định chung khi lập Báo cáo Tài chính
Báo cáo kế toán tài chính là tài liệu tập hợp các thông tin về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, dòng lưu chuyển tiền của doanh nghiệp được trình bày theo mẫu quy định.
– Báo cáo Tài chính doanh nghiệp sẽ bao gồm các những báo cáo cơ bản như sau:
+) Bảng cân đối kế toán (BCĐKT): Như một lát cắt phản ánh về tình hình tài chính của doanh nghiệp thông qua các chỉ tiêu bao gồm: Nguồn vốn, tài sản, nợ phải trả tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.
+) Báo cáo kết quả kinh doanh (BCKQKD): Phản ánh về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các chỉ tiêu phát sinh trong suốt thời kỳ báo cáo gồm: Doanh thu, chi phí và lợi nhuận.
+) Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (BCLCTT): Cập nhật và phản ánh luồng tiền ra/vào của các hoạt động kinh doanh, đầu tư, tài chính của doanh nghiệp.
+) Thuyết minh Báo cáo Tài chính (TMBCTC): Trình bày chi tiết và cụ thể các khoản mục trên: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Một số khoản mục bắt buộc phải thuyết minh theo quy định, một số khoản mục đặc thù có thể ảnh hưởng đến quyết định tài chính của người đọc báo cáo.
– Căn cứ theo Khoản 3 Điều 29 Luật kế toán 2015, thời hạn nộp BCTC năm được quy định như sau:
+) Đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước: Báo cáo Tài chính phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
+) Đối với Doanh nghiệp nhà nước: Báo cáo Tài chính phải được nộp trong thời hạn 30 ngày, tính từ thời điểm kết thúc kỳ kế toán năm. Đối với công ty mẹ, Tổng công ty nhà nước phải được nộp trong thời hạn là 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
2. Các yêu cầu đối với các thông tin trong Báo cáo Tài chính
Trước khi hướng dẫn lập Báo cáo Tài chính, VisioEdu gợi ý một số yêu cầu cần đáp ứng khi trình bày các thông tin trong BCTC theo Điều 101 Thông tư 200/2014 như sau:
– Thông tin khi trình bày trên Báo cáo Tài chính doanh nghiệp cần phản ánh chính xác, hợp lý tình hình tài chính cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông tin trình bày phải đảm bảo 03 tính chất là: Đầy đủ, khách quan và không có sai sót.
+) Đầy đủ: Thông tin đầy đủ là phải bao gồm tất cả những thông tin cần thiết để giúp người sử dụng BCTC hiểu được bản chất, hình thức và rủi ro của các giao dịch và sự kiện.
+) Khách quan: Nghĩa là khi lựa chọn hoặc mô tả các thông tin tài chính là không được thiên vị.
+) Không có sai sót: Nghĩa là việc mô tả hiện tượng không có sự bỏ sót, quá trình cung cấp các thông tin lựa chọn và áp dụng trong báo cáo không được có sai sót.
– Thông tin tài chính phải thích hợp để người đọc Báo cáo Tài chính có thể dự đoán, phân tích và đưa ra các quyết định về kinh tế.
– Thông tin tài chính phải được tổng hợp và trình bày đầy đủ trên mọi khía cạnh trọng yếu.
– Thông tin trên báo cáo phải đảm bảo có thể kiểm chứng, kịp thời và dễ hiểu.
– Thông tin tài chính phải được trình bày nhất quán, dễ dàng so sánh giữa các kỳ kế toán và có thể so sánh được giữa các doanh nghiệp với nhau.
3. Hướng dẫn lập Báo cáo Tài chính chi tiết và chính xác nhất.
Là một trong những bộ báo cáo quan trọng nhất của doanh nghiệp. Vì vậy, sau đây là các bước hướng dẫn lập Báo cáo Tài chính mà chúng tôi muốn gửi đến bạn.
Bước 1: Tập hợp, sắp xếp chứng từ kế toán
Chứng từ kế toán là tài liệu phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh hàng ngày như: hóa đơn đầu vào, hóa đơn đầu ra, bảng lương, sổ quỹ, sổ phụ ngân hàng, bảng chấm công, phiếu nhập, xuất kho, hồ sơ tài sản,…
Để phản ánh trung thực tình hình của doanh nghiệp trên BCTC, trong hướng dẫn lập Báo cáo Tài chính thì bước đầu tiên của kế toán là cần tổng hợp chứng từ kế toán và sắp xếp lại một cách khoa học. Lưu ý trong quá trình sắp xếp, người làm báo cáo nên kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ, hợp pháp của chứng từ.
Việc sắp xếp chứng từ kế toán trong cả năm cần đảm bảo: sắp xếp theo thứ tự thời gian, các chứng từ gốc sẽ kẹp cùng chứng từ hạch toán hoặc sắp xếp theo danh mục bảng kê thuế.
Bước 2: Hạch toán
Sau khi tổng hợp và sắp xếp các chứng từ kế toán, nhiệm vụ của người làm Báo cáo Tài chính là ghi chép, phản ánh các nghiệp vụ đó vào sổ sách kế toán.
Bước 3: Phân bổ, khấu hao và chi phí trả trước
Đối với Tài sản cố định và chi phí trả trước thì khi lập BCTC cần hạch toán, phân bổ chi phí phát sinh hàng tháng với thời gian phân bổ hợp lý theo đúng quy định của Pháp luật.
Bước 4: Hạch toán các khoản ước tính, điều chỉnh
Vào cuối các kỳ kế toán, người lập BCTC cần rà soát, kiểm tra và điều chỉnh các khoản ước tính trên chứng từ kế toán. Điều này là để đảm bảo con số trong báo cáo phản ánh trung thực tình trạng thực tế của doanh nghiệp, đồng thời tuân thủ các quy định kế toán hiện hành. Các nội dung cần hạch toán bao gồm:
– Bút toán đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối kỳ
– Các khoản dự phòng phải thu khó đòi, khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh,…
– Các khoản chi phí cần trích trước của năm bao gồm: lương tháng thứ 13, thưởng Tết Nguyên Đán, chi phí kiểm toán và các chi phí mang tính chất thường xuyên,…
– Bút toán phân loại lại các khoản đầu tư, tiền gửi thấu chi, phân loại lại công nợ ngắn hạn dài hạn, các khoản vay ngắn hạn dài hạn, …
– Các bút toán điều chỉnh sai sót (nếu có)
Bước 5: Kiểm tra đối chiếu số liệu sổ sách
Trong hướng dẫn lập Báo cáo Tài chính thì kiểm tra đối chiếu và rà soát lại các số liệu sổ sách là một khâu vô cùng quan trọng đối với các kế toán. Bởi nếu số liệu hạch toán sai thì khi lên BCTC sẽ không chính xác, người thực hiện sẽ mất thêm thời gian và công sức để rà soát, điều chỉnh và làm lại BCTC.
Vì thế, kế toán khi làm cần tổng hợp và kiểm tra các nghiệp vụ phát sinh theo từng nhóm tài khoản như: hàng tồn kho, công nợ phải trả, công nợ phải thu, đầu tư, chi phí trả trước và cả các tài sản cố định bằng cách:
– Kiểm tra tất cả các tài khoản có số dư về việc chuyển số dư cuối kỳ trước sang đầu kỳ này.
– Kiểm tra lại số dư của từng nhóm nhà cung cấp, khách hàng, đối tác,…
– Kiểm tra cụ thể số lượng và giá trị từng loại hàng hóa.
– Kiểm tra đối chiếu giữa sổ chi tiết với sổ cái.
Bước 6: Thực hiện các bút toán kết chuyển
Sau khi đã hoàn tất việc kiểm tra và đối chiếu các số liệu sổ sách, việc kế toán viên cần thực hiện là bút toán kết chuyển lãi/lỗ trong năm. Quá trình này bao gồm: hạch toán các khoản doanh thu, chi phí, lỗ, lãi và đảm bảo đối với các tài khoản từ đầu 5 đến đầu 9 không còn số dư cuối kỳ.
Đối với các doanh nghiệp phát sinh thuế thu nhập, nhà quản trị cần kết chuyển lần thứ nhất để xác định lãi và tính ra số thuế cần phải nộp. Tiếp đó là hạch toán bổ sung bút toán ghi nhận thuế và chi phí thuế phát sinh rồi mới tiến hành thực hiện kết chuyển lại để ra con số lợi nhuận cuối cùng.
Bước 7: Xây dựng Báo cáo Tài chính
Sau khi hoàn thành các bước trên, công việc cuối cùng của kế toán viên là tiến hành lập Báo cáo Tài chính doanh nghiệp. Người thực hiện có thể lập Báo cáo Tài chính theo:
– Thông tư 133/2016/TT-BTC áp dụng cho các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ
– Thông tư 200/2014/TT-BTC áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, loại hình, mọi thành phần kinh tế không xét đến quy mô doanh nghiệp.
Trên đây là các bước hướng dẫn lập Báo cáo Tài chính chi tiết nhất và chính xác nhất mà VisioEdu gửi đến bạn. Hi vọng các kế toán viên sẽ thực hiện công việc này dễ dàng hơn.
Để phân tích 24 chỉ tiêu nhận diện rủi ro, tự tin hoàn thiện Báo cáo Tài chính doanh nghiệp trong thời gian nhanh nhất hãy đăng ký tham gia ngay khóa học: Soát xét và xử lý rủi ro Báo cáo Tài chính” để an tâm bước qua kỳ Quyết toán Thuế sắp tới. Đặc biệt, đăng ký ngay hôm nay để nhận ưu đãi lên đến 20%.
=>> Tìm hiểu và đăng ký khóa học tại đây: https://visio.edu.vn/khoa-hoc/bao-cao-tai-chinh/
Nếu còn bất cứ thắc mắc gì về hướng dẫn lập Báo cáo Tài chính hoặc thông tin Khóa học tại VisioEdu vui lòng liên hệ chúng tôi theo hotline: 0973.55.1661 để được tư vấn.