Thuật ngữ “Thời điểm hợp đồng có hiệu lực” được sử dụng rất nhiều trong các văn bản thuế, đơn cử tại tại điểm a Khoản 2 Điều 11 của thông tư 111/2013/TT-BTC, khi quy định về thời điểm phải tính nộp thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng vốn ” … là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực”.
Tuy nhiên, nếu hiểu rõ về “Thời điểm hiệu lực của hợp đồng”, ta sẽ thấy quy định này khá bất cập. Và để làm rõ vấn đề này, đầu tiên, cần phân biệt thời điểm hiệu lực của hợp đồng và thời điểm thực hiện hợp đồng.
Thời điểm hiệu lực của hợp đồng được hiểu là từ thời điểm đó, các bên không thể phá vỡ các thỏa thuận đã giao kết.
Thời điểm thực hiện hợp đồng là thời điểm các bên bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ của mình.
Ví dụ, hợp đồng thuê nhà được ký vào ngày 20/3 và ghi rõ, bên thuê được bàn giao và sử dụng căn nhà từ ngày 1/4, ngày hợp đồng bắt đầu có hiệu lực là 20/3, tức là ngày ký, bắt đầu từ ngày này trở đi, bên cho thuê không được quyền cho người khác thuê hay từ chối cho người ký thuê, nhưng bên thuê nhà cũng chỉ được bắt đầu sử dụng từ ngày 1/4.
Thông thường, hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết (thời điểm ký) theo điều 401 Bộ Luật dân sự 2015, chỉ trong một số trường hợp đặc biệt, như hợp đồng chuyển nhượng BĐS thì thời điểm hiệu lực tính từ thời điểm ký chứng thực do quy định Hợp đồng chuyển nhượng BĐS phải có chứng thực, hay hợp đồng cho, tặng động sản chỉ có hiệu lực kể từ ngày giao nhận tài sản. Các quy định đặc thù này nhằm bảo vệ cho người yếu thế khi tham gia giao kết hợp đồng.
Đối với Luật thuế TNCN, thời điểm nộp thuế thường được xác định tại thời điểm nhận thu nhập, theo nguyên tắc thực nhận. Nguyên tắc này đảm bảo cho người có thu nhập chủ động nguồn tài chính cho việc nộp thuế TNCN.
Như vậy, quy định về thời điểm thực hiện nghĩa vụ thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn góp trong thông tư 111 đang không phù hợp với nguyên tắc thực nhận này. Tại thời điểm ký hợp đồng, tức là thời điểm hiệu lực của hợp đồng, việc tiến hành chuyển giao vốn chuyển nhượng có thể chưa được diễn ra, và tiền cũng có thể chưa được thanh toán, tức là hợp đồng hoàn toàn chưa được thực hiện từ cả hai phía mà đã phải nộp thuế TNCN là điều khá vô lý.
Thực tế đang áp dụng hiện nay, cơ quan thuế cũng chỉ thực hiện thu thuế cho giao dịch này khi hai bên tiến hành chuyển giao quyền sở hữu vốn góp.
Nguyễn Ngọc Minh