Hôm qua, sau buổi học, một kế toán hỏi tôi “Thầy ơi, hình như bây giờ không phải tạm nộp thuế TNDN hàng quý nữa hay sao vậy?”, tôi thực sự giật mình.
Tôi giật mình không phải bởi câu hỏi, mà giật mình ở sự lệ thuộc vô thức của người làm kế toán vào nguồn thông tin “trên mạng”. Không quá khó khăn để đi tìm những sự hướng dẫn “tận tình”, tìm một cách giải quyết vướng mắc theo kiểu “trên mạng nói rằng”, “trên mạng hướng dẫn là”… Để rồi vào hùa với nhau cùng làm theo, và rồi cùng an ủi nhau, nếu có sai thì cả làng cùng sai, đâu phải mỗi mình ta.
Thay đổi thói quen đọc tài liệu – Việc kế toán cần làm ngay nếu không muốn bị đào thải
Hãy nhìn lùi lại một chút, chỉ trong khoảng 2 năm trở lại đây, khoảng từ năm 2019 và 2020, Quốc hội ban hành một loạt các luật mới thay thế cho các luật cũ như: Luật Quản lý Thuế số 38, Luật Lao động số 45, Luật Chứng khoán số 54, Luật Doanh nghiệp số 59, Luật Đầu tư số 61… Chắc chắn rất ít kế toán đặt câu hỏi tại sao trong một thời gian ngắn mà số lượng luật mới ra đời lại nhiều như thế, chứ chưa nói đến việc đi tìm lời giải đáp cho một câu hỏi lớn lao hơn: Tư duy quản lý Nhà nước thay đổi như thế nào khi cần đến luật thay thế mà không chỉ là luật bổ sung như trước đây?
Nhược điểm “thâm căn cố đế” của mỗi cá nhân theo nghề kế toán bộc lộ rất rõ khi họ có thể bỏ hàng tuần để cùng nhau tranh cãi một vấn đề nhỏ theo “trend”, như tại sao trước đây không phải nộp báo cáo này mà giờ lại phải mất 30 giây cho mỗi quý để bấm nút gửi đi như một đề tài khoa học cấp Nhà nước? Nhưng họ không thèm bỏ ra lấy 1 phút để cùng nhau xem lại lý do quy định đó được các nhà quản lý kinh tế đã dày công nghiên cứu đưa ra để làm gì.
Để trả lời cho câu hỏi của bạn học viên nêu trên, chắc chắn có nhiều người dễ dàng giải đáp rằng vẫn phải nộp chứ, và có thể còn giảng giải thêm rất chi tiết như chậm nhất là ngày thứ 30 của tháng đầu quý sau nhé, nếu hết quý 3 mà không đủ 75% số phải nộp của cả năm thì bị phạt chậm nộp nhé. Và hãnh diện, thế nhé, không sót ý nào?
Không đâu ạ, nếu bạn là một người tìm hiểu nghiêm túc, bạn sẽ thấy bạn mới trả lời được một phần của câu hỏi. Phần còn lại quan trọng hơn nhiều.
Trước đây, khi xác định số tạm nộp thuế TNDN, thông tư 151 chỉ nói chung chung là căn cứ vào “kết quả sản xuất, kinh doanh” một cách vô định.
Nhưng giờ đây, theo quy định tại điều 8 Nghị định 126, cách xác định được yêu cầu rất cụ thể như sau:
“Người nộp thuế thuộc diện lập báo cáo tài chính quý theo quy định của pháp luật về kế toán căn cứ vào báo cáo tài chính quý và các quy định của pháp luật về thuế để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý. Người nộp thuế không thuộc diện lập báo cáo tài chính quý theo quy định của pháp luật về kế toán căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh quý và các quy định của pháp luật về thuế để xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý.”
Điều đó có nghĩa là, mặc dù không bắt buộc phải nộp BCTC của quý, nhưng doanh nghiệp được yêu cầu phải căn cứ vào BCTC quý của mình, rồi điều chỉnh sự khác biệt giữa thuế và kế toán, từ đó xác định số tạm nộp chính xác cho từng quý.
Thêm nữa, tại điều 109 của Nghị định 126, quy định về hoạt động kiểm tra tại trụ sở của CQT (ta vẫn hay gọi là kiểm tra tại bàn): “a) Kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ quan thuế được thực hiện trên cơ sở hồ sơ thuế của người nộp thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế, sự tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế…”
Với căn cứ rõ ràng như vậy, khi xét thấy mức tạm nộp chưa phù hợp, CQT hoàn toàn có quyền yêu cầu doanh đến để giải trình cách xác định mức tạm nộp đó (và tất nhiên, được quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp BCTC quý và tờ khai QT thuế TNDN tạm tính để làm cơ sở kiểm tra, cũng nên lưu ý, việc giải trình tại bàn này cũng không bị giới hạn mỗi năm không quá 1 lần như kiểm tra theo kế hoạch).
Chưa hết, hậu quả sẽ thế nào khi doanh nghiệp không cung cấp được BCTC quý?
Sẽ có ngay giải pháp sau đây:
Điều 109 Luật QLT số 38 “b) Trường hợp hồ sơ thuế có nội dung cần làm rõ liên quan đến số tiền thuế phải nộp… thì cơ quan quản lý thuế thông báo yêu cầu người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu. Trường hợp người nộp thuế đã giải trình và bổ sung thông tin, tài liệu chứng minh số tiền thuế đã khai là đúng thì hồ sơ thuế được chấp nhận; nếu không đủ căn cứ chứng minh số tiền thuế đã khai là đúng thì cơ quan quản lý thuế yêu cầu người nộp thuế khai bổ sung.
Trường hợp hết thời hạn theo thông báo… mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu hoặc không khai bổ sung hồ sơ thuế hoặc giải trình, khai bổ sung hồ sơ thuế không đúng thì thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quyết định ấn định số tiền thuế phải nộp hoặc ra quyết định kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế …”.
Hãy thử hình dung, một năm 4 lần tạm nộp theo thói quen vô căn cứ như đã từng bao nhiêu lâu nay, 4 lần tại bàn giải trình thất bại và 4 lần bị ra quyết định ấn định số thuế tạm nộp, kế toán thuế sẽ được giám đốc và đồng nghiệp nhìn với… mấy con mắt ?
Nếu muốn nâng cao năng lực nghề thực sự, hãy đặt ra cho mình một phương pháp tiếp cận kiến thức nghiêm túc hơn, khoa học hơn, và quan trọng hơn cả, thay đổi tư duy học tập, đừng vô tình biến mình thành cái bóng chỉ biết đồng lõa để rồi… bị đào thải.
Nguyễn Ngọc Minh