Để hiểu rõ vấn đề này, trước hết, VisioEdu cùng bạn tìm hiểu về Thuế giá trị gia tăng vãng lai nhé!
1. Thuế giá trị gia tăng vãng lai
Thuế giá trị gia tăng (GTGT) vãng lai là một cách nộp thuế giá trị gia tăng khác thông thường, hay có thể tạm gọi là “tạm ứng” thuế giá trị gia tăng cho Cơ quan Thuế địa phương khi doanh nghiệp có phát sinh các hoạt động về kinh doanh, lắp đặt hay xây dựng nhưng không thành lập các đơn vị trực thuộc ở địa phương cấp tỉnh. Thuế giá trị gia tăng vãng lai đặc biệt ở chỗ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi không diễn ra tại đúng nơi doanh nghiệp lập giấy đăng ký kinh doanh thì sẽ phải đóng loại thuế này vào ngân sách nhà nước.
Tiếp theo, VisioEdu sẽ phân tích rõ hơn quy định về thuế giá trị gia tăng công trình ngoại tỉnh vãng lai mà doanh nghiệp phải nộp với trách nhiệm và thuế suất như thế nào.
Theo khoản 1 điều 2 Thông tư 26/2015/TT-BTC quy định “Trường hợp người nộp thuế có hoạt động kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh mà giá trị công trình xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh bao gồm cả thuế GTGT từ 1 tỷ đồng trở lên, và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh …, mà không thành lập đơn vị trực thuộc tại địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính (sau đây gọi là kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai, chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh) thì người nộp thuế phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý tại địa phương có hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh.
Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn quản lý, giao Cục trưởng Cục Thuế địa phương quyết định về nơi kê khai thuế đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh và chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh.”
Vậy với quy định cũ nêu trên, vãng lai được hiểu theo sát nghĩa là khi có phát sinh doanh thu tại địa phương thì phải thực hiện các nghĩa vụ thuế, với trách nhiệm:
- Một là, nộp thuế cho địa phương nơi có hoạt động;
- Hai là, nộp theo từng lần phát sinh (mỗi lần có hoạt động thu tiền về đều phải kê khai và nộp theo tỷ lệ quy định, trường hợp phát sinh nhiều lần có thể đăng ký kê khai theo tháng để giảm thủ tục cho doanh nghiệp).
Về tỷ lệ thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) được quy định:
– Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% thì chịu 2%.
– Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% thì chịu 1%.
2. Thuế giá trị gia tăng phân bổ
Tuy nhiên đến thông tư 80/2021/TT-BTC được áp dụng bắt đầu từ ngày 01/01/2022 không còn nói về khái niệm vãng lai nữa mà sử dụng cụm từ “phân bổ” trong trường hợp này. Tại sao lại có sự thay đổi trong tên gọi như vậy, liệu là “bình mới rượu cũ” hay thực sự mang ý nghĩa khác biệt?
Cùng VisioEdu tìm hiểu về thuế giá trị gia tăng phân bổ ở phần tiếp theo nhé!
Theo Điều 13 Thông tư 80 việc khai thuế GTGT đối hoạt động xây lắp, chuyển nhượng BĐS, bán hàng vãng lai ngoại tỉnh đã không còn hiệu lực, thay thế bởi việc phân bổ số thuế cần nộp với từng trường hợp áp dụng như sau:
– “Kinh doanh xổ số điện toán;
– Chuyển nhượng bất động sản, trừ chuyển nhượng bất động sản dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà chuyển nhượng kể cả có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ tại nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản;
– Xây dựng theo quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế quốc dân luật chuyên ngành;
– Đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp), trừ khai thuế GTGT tại nơi có nhà máy sản xuất điện;
– Nhà máy thủy điện có địa điểm thuộc nhiều tỉnh.”
Sử dụng tên gọi “phân bổ” ở đây được hiểu là sự chia sẻ về nguồn thu của địa phương nơi trụ sở chính hoạt động và các địa phương nơi có hoạt động ngoại tỉnh diễn ra. Hình thức phân bổ thuế giá trị gia tăng này cũng được diễn ra với những quy định khác biệt so với khái niệm cũ, như:
– Chỉ thực hiện nghĩa vụ (tờ khai và tiền thuế) tại địa phương nơi trụ sở chính đăng ký, và tạo bảng phân bổ cho các địa phương. Do là hình thức phân bổ, nên thời gian thực hiện sẽ tuân theo hạn của kỳ kê khai của doanh nghiệp (theo tháng hoặc theo quý).
– Chỉ phát sinh nghĩa vụ khi ghi nhận doanh thu (cùng với kỳ tính thuế Giá trị gia tăng).
Quy định về việc thuế vãng lai thay đổi do cơ chế quản lý trên giấy tờ, ngân sách theo địa phương, nên việc có phát sinh doanh thu ở địa phương này thì Cơ quan Thuế địa phương có quyền thu. Theo quy định và xu hướng thay đổi mới thì chính sách thu sẽ được phân bổ từ đầu ngạch, việc Cơ quan Thuế tự phân bổ nguồn thu về các địa phương vẫn đảm bảo chính sách của Cơ quan Thuế, lại hỗ trợ giảm thủ tục cho doanh nghiệp.
Trên đây là một số phân tích của VisioEdu về quy định của Pháp luật liên quan đến thuế giá trị gia tăng công trình ngoại tỉnh. Hy vọng với những chia sẻ này bạn đã biết cách xử lý cách tình huống phát sinh trong doanh nghiệp mình liên quan đến khoản thuế giá trị gia tăng công trình ngoại tình.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> Doanh nghiệp “than phiền” với quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào cho hàng xuất khẩu
>>> Hướng dẫn Công ty mẹ lập tờ khai Quyết toán Thuế TNCN khi nhận được ủy quyền