Thanh tra thuế là một công cụ quan trọng để Cơ quan thuế thực hiện các mục tiêu quản lý thuế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có nhiều dấu hiệu vi phạm về thuế. Tạm ngừng kinh doanh là vấn đề nóng trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển hiện nay. Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp, tập đoàn khác trong nước và ngoài nước. Vì vậy, việc tạm thời ngưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh là giải pháp để doanh nghiệp đổi mới thích nghi với sự biến đổi của thị trường. Một trong những vướng mắc phổ biến là liệu doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh có bị thanh tra Thuế hay không? Bài viết dưới đây, VisioEdu sẽ giúp bạn hiểu rõ về quy định và điều kiện của việc thanh tra Thuế trong trường hợp này.
1. Tạm ngừng kinh doanh được hiểu như thế nào?
Đây là hành động khi doanh nghiệp tạm thời ngừng các hoạt động kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định, thường không được vượt quá 2 năm. Trong thời gian này, doanh nghiệp không được phép thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến sản xuất hoặc kinh doanh. Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Khi hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh đã có thông báo với cơ quan thẩm quyền, nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục kinh doanh thì sẽ được phép tiếp tục hoạt động. Trong trường hợp doanh nghiệp không muốn tiếp tục kinh doanh, thì phải tuân theo quy trình giải thể hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp, mà cả hai thủ tục này đều có quy định cụ thể trong pháp luật.
2. Điều kiện tạm ngừng kinh doanh tại Việt Nam
Trước khi tìm hiểu về việc, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có bị thanh tra thuế hay không, hãy cùng VisioEdu tìm hiểu rõ hơn về điều kiện để một doanh nghiệp được tạm ngừng kinh doanh nhé.
Theo quy định tại Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 sửa đổi bổ sung năm 2021 quy định về tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh như sau:
– Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
– Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh trong trường hợp sau đây:
+ Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;
+ Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.
– Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
>>> Xem thêm: Doanh nghiệp nợ thuế có được tạm ngừng hoạt động không?
3. Các trường hợp bị thanh tra Thuế
Như đã nói ở trên, không phải doanh nghiệp nào cũng bị thanh tra thuế hàng năm. Vì số lượng nhân lực có hạn của Cơ quan thuế, mà mỗi năm, sẽ có một số nhóm doanh nghiệp nhất định nhận được quyết định thanh tra thuế.
Một số trường hợp cụ thể khiến doanh nghiệp có thể bị thanh tra thuế bao gồm:
– Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.
– Giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.
– Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở các kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế.
– Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, theo kết luận của Thanh tra nhà nước và các cơ quan khác có thẩm quyền.
4. Tạm ngừng kinh doanh có bị thanh tra Thuế không?
Không phải tất cả các doanh nghiệp tạm thời ngừng kinh doanh đều bị thanh tra thuế. Điều quan trọng là:
– Nếu doanh nghiệp hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế theo quy định pháp luật trong quá trình tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ không bị thanh tra.
– Trong trường hợp doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ việc nộp thuế khi tạm ngừng kinh doanh thì phải nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ này với cơ quan thuế. Nếu không hoàn thành, doanh nghiệp có thể bị thanh tra Thuế.
Căn cứ Điểm d, Khoản 2, Điều 4, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định Luật Quản lý thuế có quy định:
“Người nộp thuế phải chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế về đôn đốc thu nợ, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và xử lý hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế”.
Như vậy, việc kiểm tra, thanh tra phát sinh ở trong giai đoạn các doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh khi doanh nghiệp đó có rủi ro về thuế. Có thể hiểu, khi các doanh nghiệp nhận một thông báo về thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế trong thời gian doanh nghiệp thực hiện tạm thời ngưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh thì việc các cơ quan thuế tiến hành kiểm tra thuế là đúng với quy định của pháp luật và doanh nghiệp có nghĩa vụ phải chấp hành.
Bài viết đã giải quyết một số thắc mắc liên quan đến việc thanh tra thuế khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Điều quan trọng là tuân thủ quy định thuế và đảm bảo rằng nghĩa vụ thuế được thực hiện đầy đủ trong quá trình tạm thời ngưng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trên đây VisioEdu đã chia sẻ toàn bộ thông tin về việc thanh tra thuế khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Hy vọng với những chia sẻ này bạn đã nắm rõ hơn về Luật quản lý thuế và tự tin tư vấn thuế cho doanh nghiệp.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>>> Khóa học Pháp Luật Hợp Đồng – Kế toán vững pháp lý, doanh nghiệp phòng tránh rủi ro
>>> Rủi ro Báo cáo Tài chính, doanh nghiệp phải chịu mức xử phạt như thế nào?