Trong quá trình phát triển xã hội, các chính sách về thuế, kế toán đã thay đổi rất nhiều để phù hợp hơn với thời cuộc, hay vì mục đích quản lý hiệu quả hơn. Quá trình thay đổi đó không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Phần lớn doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ sự thay đổi bởi giải quyết được vướng mắc trong xử lý hay hỗ trợ quản lý rủi ro, quản lý thu của Cơ quan Thuế được tốt hơn. Bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều những thay đổi “lòng vòng” khiến người thực thi “chóng mặt”.
Gần đây, VisioEdu nhận được khá nhiều thông tin “than phiền” về thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) đầu vào cho hàng xuất khẩu từ các bạn kế toán và học viên tại VisioEdu. Thủ tục hoàn thuế GTGT mới quy định doanh nghiệp phải quay lại lập bảng kê chi tiết hàng hóa, dịch vụ trong thủ tục hoàn. Chuyên gia Nguyễn Ngọc Minh tại VisioEdu đã đưa ra phân tích về “cái hay” của quy định hoàn thuế này trong thay đổi về giới hạn giá trị được hoàn – có thể bạn đã biết hoặc chưa.
Theo khoản 4, điều 1 TT130/2016/TT-BTC quy định về “thuế GTGT được hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không vượt quá doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhân (x) với 10%.” điều này được hiểu là số thuế GTGT được hoàn của hàng hóa dịch vụ xuất khẩu không quá 10% doanh thu xuất khẩu, đảm bảo tiêu chí chỉ hoàn với giá trị hàng đã xuất khẩu.
Theo nhận định của chuyên gia Nguyễn Ngọc Minh – Giám đốc đào tạo tại VisioEdu, đối với giới hạn 10% thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT), đầu tiên doanh nghiệp sẽ cảm thấy thiệt thòi (đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất sẽ phải đầu tư máy móc, thiết bị giá trị lớn để sản xuất sản phẩm) trong những giai đoạn mua sắm trang thiết bị, vật tư giá trị lớn để phục vụ cho quá trình xuất khẩu nhưng không được hoàn ngay các loại thuế giá trị gia tăng của máy móc đó. Nhưng có lẽ cũng sẽ có vài những ưu điểm từ quy định này mà doanh nghiệp “không nói tới”, như:
- Tỷ lệ 10% doanh thu xuất khẩu, đồng nghĩa với việc Cơ quan Thuế xác định giá tính thuế của đầu vào tương đương với doanh thu, trong khi thực tế doanh nghiệp hoạt động luôn vì mục tiêu lợi nhuận nên xét về mặt dài hạn thì đầu ra luôn lớn hơn đầu vào. Đây được nhận định là “cái lợi” của doanh nghiệp xuất khẩu.
- Con số 10% có vẻ giống như một loại thuế suất của Việt Nam hiện tại, chúng ta cũng biết đó là mức thuế suất cao nhất, vì vậy lấy tỷ lệ theo con số này đã giúp doanh nghiệp hời hơn trong một số trường hợp đầu vào có mức thuế suất nhỏ hơn 10 hay thậm chí không thuộc đối tượng chịu thuế.
- Đặc biệt, đối với chính sách hỗ trợ theo thời điểm cho các doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh Covid vừa qua (hiệu lực của chính sách vẫn còn tiếp tục) cũng được đánh giá là một yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu.
Cùng trong quy định hoàn thuế, có thông tin về phân bổ thuế giá trị gia tăng được hoàn khi có hoạt động xuất khẩu cùng với bán hàng nội địa theo tỷ lệ doanh thu tính theo thời điểm hoàn (từ thời điểm hoàn trước, tới hết kỳ hoàn hiện tại). Dẫn tới tình trạng đẩy doanh thu nội địa sang kỳ hoàn khác làm tỷ lệ Doanh thu xuất khẩu/Tổng doanh thu (xuất khẩu + nội địa) có thể điều chỉnh một phần theo ý chí chủ quan của doanh nghiệp. Điều này cũng được Cơ quan Thuế chấp nhận, mà không bắt doanh nghiệp tính lại tỷ lệ theo kỳ quyết toán như quy định trong xác định số thuế được khấu trừ.
Vậy quy định thay đổi mới đây trong hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng khiến cho doanh nghiệp “than phiền” là gì?
Mặc dù việc thay đổi quy định về hồ sơ hoàn thuế GTGT có nhiều ưu điểm, nhưng vẫn có khá nhiều bạn kế toán còn “than phiền” với VisioEdu về quy định mới.
Theo tiết a.5 khoản 2 điều 28 TT80/2021/TT-BTC “Bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01-1/HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này, trừ trường hợp người nộp thuế đã gửi hóa đơn điện tử đến Cơ quan Thuế;” trong phụ lục này, doanh nghiệp sẽ phải kê chi tiết các thông tin hàng hoá trên hoá đơn mà đơn vị muốn hoàn thuế giá trị gia tăng, điều này gây ra những “ức chế” trong thời gian đang có nhiều thay đổi khiến công việc của phòng kế toán trở lên ngộp thở hơn. Nhưng có lẽ cũng phải nhận định đây chỉ là sự “than phiền” xảy ra trong giai đoạn chuyển giao, khi doanh nghiệp muốn hoàn thuế cho giai đoạn trước khi hoá đơn điện tử có hiệu lực bắt buộc.
Có lẽ không phải lúc nào doanh nghiệp “than thở” thì quy định thay đổi cũng đang có vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế được xác định là mối quan hệ cộng sinh win-win. Vậy nên các vấn đề “khó khăn”, “bóp nghẹt” về hoàn thuế giá trị gia tăng mà doanh nghiệp nêu ra cũng cần nhìn từ góc độ trung lập để đánh giá và đề xuất ý kiến sửa đổi.
Trên đây là một số chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Ngọc Minh tại VisioEdu về quy định hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào cho hàng xuất khẩu. Hy vọng với phân tích trên bạn sẽ có cái nhìn khách quan nhất về các quy định hoàn thuế GTGT.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> Phương pháp hạch toán Thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại