VisioEdu nhận được một câu hỏi khá hay từ kế toán như sau:
“Kế toán xuất hóa đơn điện tử cho khách lẻ không lấy hóa đơn nhưng nhầm đơn vị tính từ hộp thành thùng dẫn đến âm kho. Bây giờ có cách nào điều chỉnh được không?”
Trả lời:
Từ 01/07/2022, Nghị định 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực dù trước đó từ tháng 12/2021 một số cục thuế đã khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của nghị định này trước 01/07/2022.
Trong thời gian triển khai áp dụng, hệ thống hóa đơn điện tử mới này đã thể hiện rõ sự ưu việt với hệ thống cũ. Bên cạnh đó là không ít những tình huống thực tế phát sinh mà trong luật chưa tham chiếu đến. Vì vậy, không ít lần tổng cục thuế phải đưa ra các công văn hướng dẫn. Nhưng vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật chính thức nào để hướng dẫn một cách tường minh. Và tình huống trên là một ví dụ điển hình.
Để giải quyết tình huống trên, trước hết, VisioEdu xin được trích dẫn các quy định liên hành liên quan.
Tại Điều 10 Nghị định 123 quy định về nội dung của hóa đơn có nhắc tới đơn vị tính như sau: “Đơn vị tính: Người bán căn cứ vào tính chất, đặc điểm của hàng hóa để xác định tên đơn vị tính của hàng hóa thể hiện trên hóa đơn theo đơn vị tính là đơn vị đo lường (ví dụ như: tấn, tạ, yến, kg, g, mg hoặc lượng, lạng, cái, con, chiếc, hộp, can, thùng, bao, gói, tuýp, m3, m2, m…). Đối với dịch vụ thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “đơn vị tính” mà đơn vị tính xác định theo từng lần cung cấp dịch vụ và nội dung dịch vụ cung cấp.”
Trong thực tế xảy ra không ít tình huống các đơn vị đang áp dụng một cách sáng tạo biện pháp xử lý hóa đơn sai sót. Đó là xuất hóa đơn điều chỉnh giảm toàn bộ giá trị hóa đơn gốc hoặc xuất hóa đơn thay thế cho hóa đơn gốc với giá trị bằng 0 thay cho việc hủy hóa đơn.
Hay như trường hợp cho biếu tặng là phải xuất hóa đơn như bán nhưng xét về góc độ nhân văn, hầu hết những người đi cho biếu tặng chẳng có ai muốn người nhận biết được giá trị của món quà đó. Nếu hóa đơn cho biếu tặng không ghi thông tin người nhận hoặc ghi luôn thông tin của đơn vị tặng quà thì có lẽ vấn đề cho biếu tặng sẽ được giải quyết hợp tình hơn.
Ở tình huống chúng ta đang theo dõi, kế toán bán hàng hóa và trên hóa đơn ghi nhầm đơn vị tính từ hộp thành thùng (Nhập mua theo thùng, mỗi thùng có nhiều hộp nhưng khi bán theo hộp thì trên hóa đơn lại xuất bán theo thùng) dẫn đến âm kho.
Đầu tiên cùng VisioEdu nhìn nhận xem vấn đề sai ở đâu dẫn đến âm kho.
Tờ hóa đơn bán hàng xuất tại thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng, có nghĩa là nó sẽ xuất hiện sau phiếu xuất kho, biên bản giao nhận. Nên chắc chắn sẽ không có chuyện hàng trong kho không có mà thủ kho lại có thể cho xuất hàng. Trong trường hợp hàng đã giao cho người bán có nghĩa là hàng đã có trong kho rồi mới xuất đi vì tính hiện hữu của nó.
Việc xuất bán hàng hóa bị sai đơn vị tính, đang bán theo hộp nhưng lại xuất hóa đơn với đơn vị tính là thùng. Đây là minh chứng cho việc kế toán quá coi trọng tờ hóa đơn và quên đi bản chất của nghiệp vụ kế toán là phải dựa vào đâu.
Như ở trong nghiệp vụ bán hàng này, chúng ta phải dựa vào phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng hóa để hạch toán. Còn hóa đơn có thể nói là chứng từ kế toán. Nhưng trong tình huống này hóa đơn đã có sau lại còn sai so với các thông tin ở các chứng từ kế toán khác.
Do vậy, tình huống này kế toán chỉ đơn thuần là ghi sai thông tin đơn vị tính của hàng hóa trên hóa đơn.
Do đó, kế toán sẽ dùng một trong hai phương pháp xử lý hóa đơn sai sót đó là lập hóa đơn điều chỉnh hoặc lập hóa đơn thay thế cho nó.
Trên đây là hướng dẫn của VisioEdu về xử lý tình huống kế toán xuất hóa đơn nhầm đơn vị tính dẫn đến âm kho.
Có thể bạn cũng quan tâm: