Lệ phí môn bài là nghĩa vụ thuế quan trọng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh. Hạch toán lệ phí môn bài là nghiệp vụ kế toán cực kỳ quan trọng và cần thiết trong các doanh nghiệp. Vậy lệ phí môn bài hạch toán như thế nào? Hạch toán vào tài khoản nào? Hãy cùng VisioEdu tìm hiểu về vấn đề này, ngay trong bài viết sau đây.
1. Lệ phí môn bài là gì?
Lệ phí môn bài (trước đây được gọi là thuế môn bài) là trực thu và thường định ngạch đánh vào giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Ngoại trừ một số trường hợp được miễn lệ phí môn bài thì mọi doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh đều phải nộp lệ phí môn bài hàng năm cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp của doanh nghiệp.
Hiểu theo cách đơn giản, lệ phí môn bài là mức thuế mà hộ kinh doanh và doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải đóng hàng năm có Cơ Quan thuế quản lý trực tiếp dựa theo vốn đầu tư đã đăng ký và doanh thu năm của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất kinh doanh.
2. Các đối tượng phải nộp lệ phí môn bài
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC thì các mức nộp lệ phí môn bài sẽ dành cho các đối tượng sau:
– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.
– Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
– Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.
– Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này (nếu có).
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
3. Mức nộp lệ phí môn bài mới nhất
3.1 Mức nộp lệ phí môn bài đối với tổ chức
Căn cứ vào vốn điều lệ được ghi trong giấy đăng ký hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc điều lệ hợp tác xã hoặc căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư mà tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sẽ nộp lệ phí môn bài như sau:
STT | Căn cứ | Số tiền |
1 | Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng | 03 triệu đồng/năm |
2 | Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống | 02 triệu đồng/năm |
3 | Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác | 01 triệu đồng/ năm |
Các tổ chức nêu trên có thay đổi vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.
3.2 Mức nộp lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ kinh doanh
Căn cứ vào tổng doanh thu mà mức nộp lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
STT | Doanh thu | Số tiền |
1 | Trên 100 đến 300 triệu đồng/năm | 300.000 đồng/năm |
2 | Trên 300 đến 500 triệu đồng/năm | 500.000 đồng/năm |
3 | Trên 500 triệu đồng/năm | 01 triệu đồng/năm |
Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, địa điểm mới ra kinh doanh của hộ kinh doanh như sau:
Đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình (trừ cá nhân cho thuê tài sản) là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì Cơ Quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Đối với cá nhân có hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế. Trường hợp cá nhân phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản tại một địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho địa điểm đó là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế. Trường hợp cá nhân phát sinh cho thuê tài sản tại nhiều địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho từng địa điểm là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của các địa điểm của năm tính thuế, bao gồm cả trường hợp tại một địa điểm có phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản.
4. Hướng dẫn cách hạch toán lệ phí môn bài chi tiết nhất
4.1. Hạch toán lệ phí môn bài là gì?
Hạch toán lệ phí môn bài là một trong những nghiệp vụ kế toán cực kỳ quan trọng và vô cùng cần thiết đối với doanh nghiệp. Trong Thông tư 133/2016/TT- và Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định Lệ phí môn bài hạch toán vào tài khoản TK 3338 và TK 3339. Cụ thể:
TK 3338: Phản ánh số tiền phải nộp, đã nộp hoặc còn thiếu. Bao gồm:
TK 33381: Là số thuế phải nộp, chưa nộp và còn phải nộp.
TK33382: Là số thuế phải nộp khác như lệ phí môn bài/ thuế nộp thay cho doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
TK 3339: Phản ánh phí và các lệ phí phải nộp khác
>>> Xem thêm: Hãy cẩn thận! Hướng dẫn của Cơ Quan Thuế không phải lúc nào cũng đúng.
4.2. Hạch toán lệ phí môn bài khi nộp tờ khai
Khi nộp tờ khai lệ phí môn bài, cần hạch toán lệ phí môn bài sau khi đã nộp tờ khai thuế. Dựa vào tờ khai lệ phí môn bài đã nộp cho Cơ Quan thuế để hạch toán chính xác số thuế phải nộp vào các tài khoản.
Lưu ý: Để hạch toán cần xác định doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 133 hay Thông tư 200. Để kiểm tra chế độ kế toán mà doanh nghiệp đang sử dụng cần xác định quy mô doanh nghiệp:
Thông tư 133: Sử dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thông tư 200: Sử dụng cho cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ.
Khi nộp tờ khai, thực hiện hạch toán lệ phí môn bài như sau:
+ Đối với trường hợp sử dụng Thông tư 200:
Nợ 6425: Thuế, phí và lệ phí.
Có TK 3338: (TK 33382) Các loại thuế khác.
+ Đối với trường hợp hạch toán theo Thông tư 133:
Nợ 6422: Chi phí quản lý doanh nghiệp.
Có TK 3338: (TK 33382) Các loại thuế khác.
4.3. Hạch toán lệ phí môn bài khi nộp tiền vào ngân sách
Dù doanh nghiệp dựa vào Thông tư 133 hay Thông tư 200, khi nộp tiền vào ngân sách đều sử dụng cùng một phương pháp hạch toán. Dựa vào giấy nộp tiền vào ngân sách khi nộp đúng thời hạn, hạch toán lệ phí môn bài như sau:
Nợ TK 3338: (TK 33382) Các loại thuế khác.
Có TK 111/112: Tiền mặt/ tiền gửi ngân hàng.
4.4. Hạch toán tiền chậm nộp lệ phí môn bài
Trường hợp doanh nghiệp chậm nộp lệ phí môn bài sẽ bị xử phạt. Doanh nghiệp nhận được Quyết định xử phạt của Cơ Quan thuế, cần hạch toán:
Nợ TK 811: Chi phí khác.
Có TK 3339: Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác.
Khi nộp tiền phạt vào ngân sách, dựa vào giấy nộp tiền, cần thực hiện:
Nợ TK 3339: Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác
Có TK 111/112: Tiền mặt/ tiền gửi ngân hàng
Khi kết chuyển vào cuối kỳ, cần thực hiện bút toán:
Nợ TK 911: Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 811: Chi phí khác
Trên đây là hướng dẫn hạch toán lệ phí môn bài theo Thông tư 133 và Thông tư 200. Hi vọng qua bài viết này bạn đã biết Lệ phí môn bài hạch toán vào tài khoản nào. Vì vậy, kế toán cần lưu ý chú trọng việc hạch toán lệ phí môn bài đầy đủ, chính xác để tránh vi phạm quy định.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> Khóa học Hành nghề Thuế chuyên sâu – Giải mã mọi bí ẩn về thuế
>>> Xuất hóa đơn và hạch toán hàng cho, biếu, tặng như thế nào?