Thuế giá trị gia tăng (hay còn gọi là thuế VAT) là loại thuế có tác động đến rất nhiều đối tượng là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Vậy cụ thể các đối tượng chịu thuế GTGT là ai? Hãy cùng VisioEdu chúng tôi tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.
1. Thuế GTGT là gì?
Thuế giá trị gia tăng là thuế đánh vào người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Người tiêu dùng là người chi trả nhưng người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ.
>> Xem thêm: Hướng dẫn nộp tờ khai Thuế GTGT
2. Các đối tượng chịu thuế GTGT
2.1. Đối tượng chịu thuế GTGT
Căn cứ theo Điều 2, Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT: Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là tất cả các hàng hóa dịch vụ được tiêu dùng, mua bán tại Việt Nam trừ một số đối tượng không chịu thuế GTGT nêu tại mục 2.2.
2.2. Thuế suất GTGT
Thuế suất dành cho đối tượng chịu thuế GTGT 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và các hoạt động tương tự quy định chi tiết tại Điều 9, Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Thuế suất dành cho đối tượng chịu thuế GTGT 5%: áp dụng cho các ngành và lĩnh vực của nền kinh tế có liên quan với việc cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu xem chi tiết tại Điều 10, Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Thuế suất dành cho đối tượng chịu thuế GTGT 10%: áp dụng cho các đối tượng không thuộc đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 0% và đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 5%.
Thuế suất dành cho đối tượng chịu thuế GTGT 8%: Giảm thuế giá trị gia tăng về 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1, Điều 1, Nghị định 44/2023/ND-CP từ 1/7/2023 đến 31/12/2023.
Lưu ý:
- Đối với các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau sẽ có các thời điểm xác định thuế GTGT khác nhau, xem chi tiết tại Điều 8, Thông tư 219/2013/TT-BTC.
- Nếu cơ sở kinh doanh không xác định theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu thì thực hiện theo mức thuế quy định cụ thể tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
2.3. Người nộp thuế GTGT
Người nộp thuế giá trị gia tăng là các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh và nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT bao gồm:
- Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác;
- Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác;
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư; các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam;
- Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu;
- Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế, trừ trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 219/2013.
Quy định về cơ sở thường trú và đối tượng không cư trú thực hiện theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
- Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
Ví dụ: Công ty TNHH A là doanh nghiệp chế xuất. Ngoài hoạt động sản xuất để xuất khẩu Công ty TNHH A còn được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu để bán ra hoặc để xuất khẩu, Công ty TNHH A phải thành lập chi nhánh để thực hiện hoạt động này theo quy định của pháp luật thì Chi nhánh hạch toán riêng và kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng riêng đối với hoạt động này, không hạch toán chung vào hoạt động sản xuất để xuất khẩu.
Khi nhập khẩu hàng hóa để thực hiện phân phối (bán ra), Chi nhánh công ty TNHH A thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu và khi bán ra (bao gồm cả xuất khẩu), Công ty TNHH A sử dụng hóa đơn, kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.
3. Hướng dẫn các bước kê khai và nộp thuế GTGT
Bước 1: Xác định phương pháp tính thuế giá trị gia tăng là phương pháp khấu trừ hay trực tiếp theo quy định tại Điều 12, Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Bước 2: Xác định kỳ khai thuế của doanh nghiệp là theo tháng hay theo quý theo quy định tại Điều 8,9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Bước 3: Lập tờ khai thuế GTGT hàng tháng hoặc hàng quý.
Bước 4: Quyết toán thuế (đối với trường hợp theo quy định).
Bước 5: Hoàn thuế (nếu có).
Như vậy, đến đây các bạn đã hiểu đối tượng chịu thuế GTGT là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ,… còn người nộp thuế là đơn vị sản xuất kinh doanh, cá nhân sản xuất hàng hóa, dịch vụ đó.
>> Xem thêm: Điều kiện để Thuế GTGT được khấu trừ
Trên đây là danh sách những đối tượng chịu thuế GTGT và người nộp thuế GTGT theo quy định mới nhất. Để biết thêm về thuế giá trị gia tăng tham khảo ngay khóa học: Ôn thi Đại lý Thuế tại VisioEdu.
Đăng ký nhận tư vấn tại: https://bit.ly/VisioEdu_DangKyDaiLyThue