Hợp đồng ngày nay được xem là văn bản pháp lý nhằm bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích giữa các bên khi tham gia các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp việc xảy ra tranh chấp trong hợp đồng là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc xây dựng các điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng là điều cần thiết để bảo vệ được các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia trong quá trình thực hiện hợp đồng.
1. Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng là gì?
Hợp đồng là một văn bản mang tính pháp lý do hai bên tiến hành ký kết với nhau nhằm ràng buộc những nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Theo đó, trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng, các chủ thể thường hướng tới việc thực thi các điều khoản đã giao kết trong hợp đồng nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào có hợp đồng là quyền và lợi ích sẽ được đảm bảo bởi có rất nhiều trường hợp hợp đồng chỉ được thực hiện một phần (thực hiện một số điều khoản) hoặc không thực hiện hợp đồng và điều này dẫn đến gây nên tổn thất cho bên bị vi phạm hợp đồng. Do đó, để hạn chế rủi ro này mà các bên khi giao kết hợp đồng thường có xu hướng quy định thêm điều khoản giải quyết tranh chấp trog hợp đồng.
Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng có thể được xem là một điều khoản đặc biệt vì nó chỉ được áp dụng trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng được hiểu là điều khoản do các bên chủ thể trong quan hệ hợp đồng thỏa thuận để xây dựng nên và đưa vào trong hợp đồng trong quá trình đàm phán, soạn thảo nhằm giải quyết những bất đồng giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
2. Tại sao phải đưa điều khoản giải quyết tranh chấp vào trong hợp đồng?
Hiện nay, nhiều chủ thể khi tiến hành giao kết hợp đồng thường đưa vào điều khoản giải quyết tranh chấp hợp đồng. Do đó có thể thấy rằng, nên đưa điều khoản này vào hợp đồng bởi một số lý do như sau:
Việc đưa điều khoản giải quyết tranh chấp hợp đồng sẽ giúp các bên chủ thể thực hiện việc giải quyết tranh chấp một cách thuận lợi hơn. Theo đó, khi đưa điều khoản giải quyết tranh chấp hợp đồng thì các bên trong hợp đồng đã chuẩn bị trước tâm lý khi tiên lượng tranh chấp có thể xảy ra và trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có tranh chấp xảy ra thật thì sẽ dễ dàng đón nhận hơn mà không tạo ra sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa các bên. Việc này cũng khiến các bên trong quan hệ hợp đồng Dễ dàng thực hiện những vấn đề được ghi trong điều khoản giải quyết tranh chấp như thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp thỏa thuận phiên bản áp dụng
Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng sẽ giúp bên vi phạm hợp đồng thuận lợi hơn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Theo đó khi một bên vi phạm hợp đồng gây ra thiệt hại cho bên kia thì bên bị xâm phạm có quyền yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường những thiệt hại mà mình phải gánh chịu nhờ điều khoản giải quyết tranh chấp. Vì vậy đây là nội dung cần thiết để bên bị vi phạm thuận lợi hơn cho việc thực hiện việc bảo vệ quyền lợi của mình khi bị vi phạm.
Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng giữa các bên chủ thể trong quan hệ hợp đồng giảm thiểu thời gian và chi phí giải quyết tranh chấp. Khi các bên thỏa thuận về điều khoản giải quyết tranh chấp trong quá trình giao kết hợp đồng thì việc giải quyết tranh chấp sẽ trở nên dễ dàng hơn và tránh được trường hợp nên gây hại thiếu tinh thần hợp tác.
3. Các lỗi mà doanh nghiệp hay mắc phải về điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng
Cụ thể sẽ có các trường hợp như sau:
3.1. “Trường hợp các bên không thể giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hòa giải, các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án tỉnh A giải quyết”
Trên đây là một lỗi sai phổ biến mà nhiều doanh nghiệp mắc phải khi quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết của Tòa án được chia thành: thẩm quyền theo vụ việc, thẩm quyền theo cấp, thẩm quyền theo lãnh thổ. Các bên không được tùy ý lựa chọn bất kỳ một Tòa án cụ thể nào (ví dụ như: Tòa án Thành phố Hà Nội) mà phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thẩm quyền giải quyết của Tòa án (Chương III Bộ Luật Tố tụng dân sự).
Thông thường, tranh chấp kinh doanh thương mại giữa hai doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện nơi bị đơn có trụ sở. Trường hợp các bên có thỏa thuận với nhau thì phạm vi thỏa thuận chỉ được thỏa thuận tại Tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn. Trong một số trường hợp đặc biệt, nguyên đơn được lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết nhưng phải theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Để khắc phục lỗi này, trường hợp Các bên không hiểu rõ quy định pháp luật về thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Các bên nên ghi điều khoản giải quyết tranh chấp là: “Trường hợp các bên không thể giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hòa giải, các bên có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền.”
3.2. “Nếu các bên không thể giải quyết tranh chấp qua thương lượng hòa giải, các bên có quyền khởi kiện ra Trọng tài. Nếu không thể giải quyết bằng trọng tài kinh tế, tranh chấp sẽ được giải quyết bởi Tòa án kinh tế”
Đây là một lỗi sai phổ biến khác của doanh nghiệp khi lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp. Đó là các bên không có thỏa thuận trọng tài rõ ràng. Theo Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010, trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được. Có thể hiểu, các bên không thể vừa giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại, vừa giải quyết tại Tòa án. Doanh nghiệp chỉ được lựa chọn MỘT cơ quan để giải quyết tranh chấp.
Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp khi muốn khởi kiện tại Trọng tài sẽ phải giải trình, chứng minh thỏa thuận trọng tài có hiệu lực. Hoặc nếu doanh nghiệp muốn khởi kiện tại Tòa án thì sẽ phải chứng minh thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Việc giải trình, chứng minh này sẽ kéo dài thời gian thụ lý vụ án của doanh nghiệp.
Trường hợp các bên chưa ký Hợp đồng, các bên nên cân nhắc kỹ và chỉ lựa chọn 01 cơ quan giải quyết là Trọng tài thương mại hoặc Tòa án.
Trường hợp các bên đã ký kết Hợp đồng và chưa phát sinh tranh chấp, các bên có thể làm Phụ lục Hợp đồng để sửa đổi điều khoản Giải quyết tranh chấp.
Trường hợp các bên đã ký Hợp đồng và phát sinh tranh chấp thì các bên có thể căn cứ vào Điểm a Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP để khởi kiện tại Trọng tài thương mại. Cụ thể, trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, nếu một bên khởi kiện tại Trọng tài thương mại trước và chưa bên nào yêu cầu Tòa án giải quyết hoặc Tòa án chưa thụ lý thì Trọng tài sẽ có thẩm quyền giải quyết và Tòa án phải từ chối thụ lý, giải quyết.
3.3 “Trường hợp không thể thương lượng, hòa giải, các bên có quyền khởi kiện tại Tòa án kinh tế/Trọng tài kinh tế có thẩm quyền”
Lỗi sai tiếp theo của các doanh nghiệp khi quy định về điều khoản Giải quyết tranh chấp trong Hợp đồng là không viết đúng tên của cơ quan giải quyết tranh chấp. Trong một số trường hợp, các cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ đưa lý do là không đúng tên, hoặc không có cơ quan giải quyết tranh chấp nào có tên như vậy để từ chối thụ lý, giải quyết.
Các bên nên lưu ý tìm hiểu và viết đúng tên của Cơ quan giải quyết tranh chấp để không gặp khó khăn trong quá trình nộp đơn khởi kiện và thụ lý vụ án.
Hiện tại, tên gọi của hệ thống Tòa án tại Việt Nam như sau:
Tòa án Nhân dân Tối cao;
Tòa án Nhân dân Cấp cao;
Tòa án Nhân dân Tỉnh/Thành phố …;
Tòa án Nhân dân Huyện/Quận/Thị trấn …
Đối với các Trung tâm Trọng tài thương mại tại Việt Nam, doanh nghiệp có thể tìm kiếm trên các công cụ như Google, Bing, Baidu, … để ghi đúng tên của Trung tâm Trọng tài thương mại mà các bên muốn lựa chọn để giải quyết tranh chấp.
4. Những lưu ý khi tiến hành soạn thảo điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng
Điều khoản giải quyết tranh chấp hợp đồng là một điều khoản quan trọng nhằm giải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đồng thời là điều khoản ràng buộc trách nhiệm cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Do vậy, khi tiến hành soạn thảo điều khoản giải quyết tranh chấp hợp đồng thì cần phải lưu ý những vấn đề như sau:
Thứ nhất, quy định rõ ràng về phương thức giải quyết tranh chấp. Theo đó các bên nên lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp được thừa nhận rộng rãi trên thế giới bao gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án.
Thứ hai, Các bên tiến hành thỏa thuận và ghi rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài hoặc là tòa án. Theo đó, khi soạn thảo điều khoản giải quyết tranh chấp hợp đồng được giải quyết bằng trọng tài thì phải ghi rõ ràng là cơ quan trọng tài nào, địa chỉ ở đâu hoặc nếu giải quyết bằng tòa án thì phải xác định rõ là tòa án nào có thẩm quyền tòa án cấp tỉnh hay là toà án cấp huyện.
Thứ ba, Xác định khi giải quyết tranh chấp thì bên nào sẽ chịu phí thuê luật sư, thuê phiên dịch khi có phát sinh các khoản phí này.
Trên đây là những vấn đề liên quan đến điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng. Để tự tin xây dựng các điều khoản thanh toán trong hợp đồng một cách có lợi nhất; hạn chế tối đa rủi ro cho doanh nghiệp hãy tham khảo ngay: Khóa học Pháp luật hợp đồng tại Visio Edu
Đăng ký ngay TẠI ĐÂY để nhận ưu đãi lên đến 20% hoặc liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline: 0932.55.1661 – 0973.55.1661 để được tư vấn và hỗ trợ.