Hàng năm, doanh nghiệp có trách nhiệm và nghĩa vụ lập và nộp Báo cáo Tài chính theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên vì nhiều lý do dẫn đến việc doanh nghiệp chậm nộp Báo cáo Tài chính? Vậy nếu gặp trường hợp này, doanh nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây!
1. Báo cáo Tài chính là gì?
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 3, Luật Kế toán số 88/2015/QH13, Báo cáo Tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán, được trình bày theo mẫu biểu quy định tại mực chuẩn mực và chế độ kế toán.
Theo cách hiểu đơn giản, Báo cáo Tài chính là bộ báo cáo bằng văn bản thể hiện và truyền tải các thông tin về tình hình hoạt động kinh tế, tình hình tài chính của công ty, doanh nghiệp đến các nhà đầu tư và các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp cần sử dụng thông tin.
Báo cáo Tài chính là phương pháp tổng hợp số liệu từ các sổ kế toán theo các chỉ tiêu kinh tế tài chính tổng hợp, phản ánh có hệ thống tình hình tài sản, nguồn hình thành tài sản của doanh nghiệp, tình hình và hiệu quả sản xuất kinh doanh, tình hình lưu chuyển tiền tệ và tình hình quản lý, sử dụng vốn của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định vào một hệ thống biểu mẫu quy định thống nhất.
>> Xem thêm:
Báo cáo tài chính gồm những gì?
Nguyên tắc lập Báo cáo tài chính
Hướng dẫn lập Báo cáo tài chính không phát sinh doanh thu
2. Thời hạn nộp Báo cáo Tài chính
Căn cứ theo Điều 109 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về thời hạn nộp BCTC như sau:
2.1 Đối với doanh nghiệp nhà nước
* Thời hạn nộp Báo cáo Tài chính quý:
Chậm nhất là 20 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý, đơn vị kế toán phải thực hiện nộp Báo cáo tài chính quý
Chậm nhất là 45 ngày đối với công ty mẹ, Tổng công ty Nhà nước
Đơn vị kế toán trực thuộc doanh nghiệp, Tổng công ty Nhà nước nộp Báo cáo Tài chính quý cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.
* Thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm:
Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm, các Đơn vị kế toán phải nộp Báo cáo tài chính năm.
Chậm nhất là 90 ngày đối với công ty mẹ, Tống công ty nhà nước
Đơn vị kế toán trực thuộc Tổng công ty nhà nước nộp Báo cáo tài chính năm cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.
>> Xem thêm: Hướng dẫn lập Báo cáo tài chính với 7 bước
2.2 Đối với các loại doanh nghiệp khác
Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm thì các đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải thực hiện nộp Báo cáo tài chính năm. Đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn chậm nhất là 90 ngày.
Đơn vị kế toán trực thuộc nộp Báo cáo tài chính năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên quy định.
Theo quy định trên thì doanh nghiệp nhà nước nộp BCTC quý chậm nhất là ngày 20 kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo quý. Còn đối với BCTC thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo năm.
Công ty mẹ, tổng công ty nhà nước chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo quý.
Đơn vị kế toán phụ thuộc Tổng công ty nhà nước phụ thuộc vào thời hạn yêu cầu của Công ty mẹ, Tổng công ty quy đinh.
Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh nộp báo cáo chậm nhật là 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo năm.
Doanh nghiệp khác thời hạn nộp chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo năm.
Đối với các doanh nghiệp nêu không tuân thủ theo thời gian nộp báo cáo tài chính ở trên sẽ được coi là chậm nộp Báo cáo Tài chính và sẽ phải chịu mức phạt theo quy định.
3. Mức phạt chậm nộp Báo cáo Tài chính
Có nhiều lý do dẫn đến việc doanh nghiệp chậm nộp Báo cáo tài chính hoặc không nộp Báo cáo Tài chính. Căn cứ theo điều 10, điều 11, điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính chậm nộp Báo cáo tài chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập cụ thể như sau:
Mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu:
Chậm nộp Báo cáo Tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới 3 tháng so với thời hạn quy định;
Công khai Báo cáo Tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định.
Mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu:
Báo cáo Tài chính không công khai đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật
Đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính nhưng không đính kèm Báo cáo Kiểm toán khi nộp Báo cáo Tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Chậm nộp Báo cáo Tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 3 tháng trở lên so với thời gian quy định.
Đối với các trường hợp mà pháp luật yêu cầu phải kiểm toán báo cáo tài chính, thực hiện công khai Báo cáo Tài chính không kèm theo báo cáo kiểm toán
Công khai Báo cáo Tài chính chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định.
Mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu:
Thông tin, số liệu công khai Báo cáo Tài chính không chính xác
Cung cấp, công bố các Báo cáo Tài chính để sử dụng tại Việt Nam có số liệu không đồng nhất trong một kỳ kế toán.
Mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu:
Không nộp Báo cáo Tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Không thực hiện công khai báo cáo tài chính theo quy định.
Lưu ý: Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân chậm nộp Báo cáo Tài chính. Đối với tổ chức có cùng hành vi chậm nộp Báo cáo Tài chính mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền cá nhân.
Trên đây là nội dung trả lời cho câu hỏi chậm nộp Báo cáo Tài chính phạt như thế nào. Để không bị xử phạt các kế toán tại các doanh nghiệp cần nắm được thông tin này để nộp đúng và đủ Báo cáo Tài chính theo đúng thời hạn mà pháp luật quy định.
Nếu còn bất cứ thắc mắc nào hãy liên hệ ngay với VisioEdu qua hotline: 0932.55.1661 để được tư vấn. Hoặc tham khảo ngay: Lập và trình bày báo cáo tài chính