Một câu hỏi thường gặp ở doanh nghiệp: “Liệu doanh nghiệp có được kinh doanh một ngành nghề mà không có trong Giấy chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp hay ngược lại, nếu lỡ giao kết hợp đồng với một doanh nghiệp mà mặt hàng không nằm trong đăng ký của họ thì rủi ro thế nào?” là một câu hỏi mà hiện nay có thể sẽ nhận được nhiều câu trả lời trái chiều nhau.
Một số người sẽ trả lời ngay rằng “Không được” do vẫn bị ảnh hưởng theo tư duy cũ của tinh thần Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, hay Luật doanh nghiệp 2005, khoản 1 Điều 9 :” hoạt động kinh doanh theo đúng ngành nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.
Những quy định này giúp cho các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước quản lý tốt các hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam. Nhưng khi môi trường kinh doanh phát triển, quy định này gây hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Một mặt, người điều hành kinh doanh luôn phải xác định xem hành vi của mình đang thực hiện nhân danh doanh nghiệp có nằm trong phạt vi hoạt động của doanh nghiệp không, nếu không, dù đó là cơ hội đem lại lợi nhuận dường nào đi nữa thì cũng không được quyền giao dịch.
Mặt khác, người giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, trước khi giao kết hợp đồng cũng phải tìm hiểu xem doanh nghiệp đó có thẩm quyền kinh doanh lĩnh vực đó không và một bên cố tình luôn có thể lạm dụng quy định này để yêu cầu vô hiệu hợp đồng, khiến quy định này trở thành cái bẫy cho bên ngay tình.
Do đó, để xoá đi tính hà khắc của quy định này, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã bỏ quy định về việc doanh nghiệp phải hoạt động kinh doanh theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, và mới đây, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định :” Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm”, hướng tới sự phù hợp với thực tế kinh doanh của doanh nghiệp và tháo gỡ nhiều khó khăn, hạn chế góp phần tạo điều kiện mở ra một môi trường kinh doanh thuận lợi phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Nhưng cần lưu ý thêm rằng, trong Điều 16 của Luật doanh nghiệp số 59 nêu trên nghiêm cấm hành vi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ điều kiện, và Điều 123 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội”. Như vậy, nếu doanh nghiệp giao kết hợp đồng với doanh nghiệp khác trong lĩnh vực yêu cầu có điều kiện (nôm na là cần giấy phép con) mà chưa đủ điều kiện, có thể dẫn đến rủi ro rất đáng tiếc.
Đơn cử, doanh nghiệp Đại lý thuế ký hợp đồng lập Báo cáo quyết toán thuế cho khách hàng, đã nộp báo cáo xong, hoặc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thuế năm, đến cuối năm, doanh nghiệp khách hàng phát hiện ra doanh nghiệp Đại lý thuế chưa đủ điều kiện, yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu, đòi lại toàn bộ số tiền đã thanh toán. Vậy là… công cốc, còn treo lơ lửng án phạt vi phạm hành chính do kinh doanh khi chưa đủ điều kiện.