Báo cáo tài chính là tài liệu quan trọng để doanh nghiệp nộp lên Cơ quan Thuế và công bố đến nhà đầu tư. Theo quy định mới trong Thông tư 200 về Hệ thống các báo cáo tài chính (BCTC) nhìn chung không có nhiều thay đổi với các quy định trước đây.
Cùng VisioEdu tìm hiểu về các mẫu báo cáo tài chính theo quy định mới nhất ở bài viết này nhé.
1. Hệ thống các báo cáo tài chính theo Chuẩn mực kế toán số 21
“Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán”.
Theo quy định của chuẩn mực kế toán số 21 “Lập và trình bày báo cáo tài chính”, Hệ thống BCTC bao gồm 4 loại sau đây:
- Bảng cân đối kế toán;
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
- Bản thuyết minh BCTC.
Trong đó:
– Bảng cân đối kế toán là Báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là một BCTC tổng hợp phản ánh một cách tổng quát tình hình và kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp trong một kì kế toán (tháng, quý, năm,…).
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một báo cáo tài chính kinh doanh thể hiện dòng tiền vào và dòng tiền ra và các khoản tương đương tiền trong một khoảng thời gian nhất định. Nó cho thấy tiền mặt luân chuyển như thế nào trong một công ty, bao gồm tiền mặt nhận được từ khách hàng, trả cho nhà cung cấp và đầu tư vào tài sản vốn.
– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính là một bộ phận hợp thành không thể tách rời của BCTC dùng để mô tả mang tính tường thuật hoặc phân tích chi tiết các thông tin số liệu đã được trình bày trong Báo cáo tình hình tài chính, Báo cáo kết quả hoạt động, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng như các thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của các chuẩn mực kế toán cụ thể.
Tuy nhiên, ngoài BCTC nêu trên, doanh nghiệp có thể lập báo cáo quản lý mô tả và diễn giải những đặc điểm chính về tình hình kinh doanh và tài chính, cũng như những sự kiện không chắc chắn chủ yếu mà doanh nghiệp phải đối phó nếu ban giám đốc xét thấy chúng hữu ích cho những người sử dụng trong quá trình ra các quyết định kinh tế.
2. Hệ thống các báo cáo tài chính theo Thông tư 200
Là một nhà tư vấn thuế, kế toán cần nắm rõ hệ thống các báo cáo tài chính theo Thông tư 200. Theo quy định mới nhất theo Thông tư 200, hệ thống BCTC hiện bao gồm BCTC năm và BCTC giữa niên độ. Các biểu mẫu BCTC được công bố rộng rãi và được cập nhật trên phần mềm kê khai thuế HTKK.
Lưu ý: Những chỉ tiêu không có số liệu được miễn trình bày trên Báo cáo tài chính, doanh nghiệp chủ động đánh lại số thứ tự các chỉ tiêu của BCTC theo nguyên tắc liên tục trong mỗi phần.
2.1. Hệ thống các Báo cáo tài chính năm
Các báo cáo tài chính năm theo quy định tại Thông tư 200, bao gồm các loại sau:
– Bảng cân đối kế toán | Mẫu số B 01 – DN |
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh | Mẫu số B 02 – DN |
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ | Mẫu số B 03 – DN |
– Bản thuyết minh BCTC | Mẫu số B 09 – DN |
2.2. Báo cáo tài chính giữa niên độ
a) Báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ, gồm:
– Bảng cân đối kế toán giữa niên độ | Mẫu số B 01a – DN |
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ | Mẫu số B 02a – DN |
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ | Mẫu số B 03a – DN |
– Bản thuyết minh BCTC chọn lọc | Mẫu số B 09a – DN |
b) Báo cáo tài chính giữa niên độ dạng tóm lược, gồm:
– Bảng cân đối kế toán giữa niên độ | Mẫu số B 01b – DN |
– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ | Mẫu số B 02b – DN |
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ | Mẫu số B 03b – DN |
– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính chọn lọc | Mẫu số B 09a – DN |
3. Đối tượng lập Báo cáo tài chính theo Thông tư 200
Đối tượng lập báo cáo tài chính cũng được quy định cụ thể tại Thông tư 200. Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 điều 99 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về đối tượng lập BCTC năm, BCTC giữa niên độ như sau:
- Đối với báo cáo tài chính năm
Hệ thống báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế. BCTC năm phải lập theo dạng đầy đủ.
- Đối với BCTC giữa niên độ
+ Doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối, đơn vị có lợi ích công chúng phải lập Báo cáo tài chính giữa niên độ;
+ Các doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng lập BCTC năm được khuyến khích lập Báo cáo tài chính giữa niên độ (nhưng không bắt buộc).
+ Báo cáo tài chính giữa niên độ được lập dưới dạng đầy đủ hoặc tóm lược. Chủ sở hữu đơn vị quyết định việc lựa chọn dạng đầy đủ hoặc tóm lược đối với BCTC giữa niên độ của đơn vị mình nếu không trái với quy định của pháp luật mà đơn vị thuộc đối tượng bị điều chỉnh.
Trên đây là toàn bộ nội dung quan trọng về Hệ thống các báo cáo tài chính theo thông tư 200. Hy vọng với những chia sẻ quan trọng này bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc lập và trình bày BCTC cho mùa quyết toán thuế sắp tới.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> 7 dấu hiệu trên BCTC cho thấy doanh nghiệp sắp bị thanh tra thuế năm 2025