Rủi ro về Thuế luôn là mối quan tâm hàng đầu của bộ phận làm công tác kế toán và quản lý doanh nghiệp. Việc hiểu rõ về những rủi ro và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tối đa rủi ro trong quá trình quyết toán Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là hết sức quan trọng. Để đảm bảo rằng doanh nghiệp không phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn, bài viết dưới đây, VisioEdu sẽ giúp kế toán điểm mặt chỉ tên 9 chi phí có rủi ro về Thuế.
9 Rủi ro về thuế thu nhập doanh nghiệp thường gặp trong doanh nghiệp
1. Rủi ro về doanh thu chịu thuế
Rủi ro về thuế đầu tiên mà doanh nghiệp thường gặp phải liên quan đến doanh thu chịu thuế. Bao gồm các nguyên nhân sau:
– Sự chênh lệch giữa số liệu doanh thu trong Báo cáo tài chính và Tờ khai Thuế Giá trị gia tăng.
– Phương pháp ghi nhận có sự khác biệt sẽ gây ra rủi ro về Thuế trong quá trình quyết toán.
– Hỗ trợ bán hàng hạch toán vào giảm trừ doanh thu.
– Trích trước các khoản giảm trừ doanh thu mà không có chứng từ hợp lệ gây rủi ro trong việc chứng minh tính hợp lệ của các khoản này.
– Giảm trừ doanh thu mà không có đầy đủ chứng từ.
– Khi nào ghi nhận doanh thu xuất khẩu là một vấn đề mà bộ phận kế toán về Thuế cần đặc biệt chú ý để đảm bảo tuân thủ theo quy định.
2. Rủi ro về thuế đối với chi phí nguyên vật liệu
Rủi ro về thuế thứ 2 mà doanh nghiệp có nguy cơ đối mặt liên quan đến chi phí nguyên vật liệu, bao gồm:
– Hao hụt khi kiểm kê chi phí nguyên vật liệu. Chênh lệch giữa số liệu kiểm kê và số liệu thực tế sẽ khiến doanh nghiệp gặp vấn đề phức tạp trong quá trình quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
– Chi phí hàng hóa bị hư hỏng.
– Chi phí nguyên vật liệu điều chỉnh bởi cơ quan hải quan. Sự điều chỉnh chi phí nguyên vật liệu do cơ quan hải quan gây ra những rủi ro về Thuế trong chi phí cuối cùng của nguyên vật liệu.
– Chi phí mua của cá nhân, hộ gia đình. Mua sắm nguyên vật liệu từ cá nhân, hộ gia đình sẽ có những rủi ro về pháp lý và thuế. Việc quản lý hóa đơn và đầy đủ chứng từ là quan trọng để tránh những vấn đề không mong muốn trong quá trình quyết toán Thuế.
3. Rủi ro về chi phí nhân công
Tiếp theo là rủi ro về chi phí nhân công, bao gồm:
– Lương/ thưởng/ phụ cấp không được quy định rõ ràng trong quy chế nội bộ và điều kiện hưởng, mức hưởng. Điều này dẫn đến những tranh cãi và rủi ro về Thuế trong quá trình quyết toán.
– Chi phí cho nhân viên nước ngoài trước khi có giấy phép lao động.
– Chi phí tăng ca quá số giờ quy định.
– Trích trước chi phí lương mà không thực trả đúng hạn trong quyết toán năm. Điều này gây ra những vấn đề tài chính và thuế, yêu cầu sự quản lý cẩn thận của bộ phận kế toán và nhân sự.
4. Rủi ro về Thuế khi chi phí trả cho các bên liên kết
Rủi ro về thuế TNDN thứ 4 mà doanh nghiệp gặp phải liên quan đến chi phí trả cho các bên liên kết, bao gồm:
– Các khoản thanh toán cho các dịch vụ không có bản chất kinh tế (không liên quan/ cần thiết cho hoạt động kinh doanh) hoặc thiếu các tài liệu minh chứng.
– Chi phí hỗ trợ kỹ thuật, tiền bản quyền (chuyển giao công nghệ, giấy phép, nhãn hiệu, bằng sáng chế, bí quyết kỹ thuật, thỏa thuận nhượng quyền…)
– Nhượng quyền thương mại, chuyển giao công nghệ không có đăng ký với bộ công thương, bộ khoa học công nghệ, không có tài liệu minh chứng quyền sở hữu/quyền chuyển giao.
– Phí bản quyền liên quan đến hàng hóa xuất khẩu cho công ty mẹ/công ty anh em.
5. Rủi ro về chi phí khâu hao/chi phí thuê đất/thuê tài sản
– Khấu hao nhà xưởng/công trình/ đất không có giấy chứng nhận quyền sở hữu sẽ gây ra rủi ro về Thuế rất lớn khi phải giải trình.
– Đất chưa sử dụng.
– Thuê tài sản của cá nhân.
6. Rủi ro về Thuế đối với chi phí lãi vay
– Các khoản chi trả cổ tức, lợi nhuận cho nhà đầu tư Việt Nam trước khi quyết toán bị xem là các khoản cho vay không lãi suất.
– Chi phí lãi vay đối với các khoản vay chuyển đổi thành vốn góp sau giai đoạn doanh nghiệp điều chỉnh giấy phép.
– Phương pháp xác định mức khống chế lãi vay (30% EBITDA) theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP (vấn đề về các khoản thu nhập khác, vấn đề về xác định chi phí khấu hao).
– Các khoản chi phí trả chậm của các hợp đồng kinh tế bị xem là chi phí lãi vay chịu mức khống chế 30% EBITDA.
– Quy định chung (khoản 3, điều 16 của Nghị định 132).
– Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu Thuế Thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao (tức EBIT DA) phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.
– Phẩn chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyên sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ, trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này.
– Thời gian chuyển chi phí lãi vay liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Lưu ý:
– Nếu doanh nghiệp không phát sinh bất kỳ giao dịch liên kết nào thì chi phí lãi vay không bị khống chế.
– Nếu doanh nghiệp phát sinh bất kỳ giao dịch liên kết nào thì toàn bộ chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp sẽ bị khống chế ở mức 30% EBITDA.
– Lãi vay bị khống chế là tổng chi phí lãi vay, bao gồm vay từ bên liên kết và các bên độc lập (gồm cả ngân hàng thương mại).
– Lãi vay để tính mức khống chế là lãi vay thuần ( bằng tổng chi phí lãi vay trừ thu nhập từ tiền gửi/cho vay).
– Chi phí khấu hao để tính EBITDA là chi phí khấu hao máy móc thiết bị, không bao gồm chi phí phân bổ.
– Nếu EBITDA âm thì toàn bộ chi phí lãi vay thuần trong năm không được trừ (lưu ý vẫn được trừ phần chi phí bằng thu nhập lãi tiền gửi/cho vay).
– Phần chi phí lãi vay được vốn hóa vào giá trị dự án đầu tư thì không phải chịu khống chế.
7. Rủi ro về chi phí khuyến mại, các khoản chi hỗ trợ
– Chi tiền hoa hồng môi giới trả cho các bên liên kết mà doanh nghiệp không lưu trữ đầy đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh dịch vụ/kết quả thực hiện bởi các bên liên kết.
– Chi phí khuyến mại liên quan đến các chương trình không thực hiện đăng ký với sở công thương. Điều này khiến doanh nghiệp phải chịu rủi ro về Thuế Thu nhập doanh nghiệp rất lớn.
– Chi phí liên quan đến hàng hóa dùng để cho, biếu, tặng nhưng không xuất hóa đơn Giá trị gia tăng đầu ra theo quy định.
– Các khoản chi hỗ trợ cho nhà phân phối thứ cấp, đại lý cấp 1 (không phải khách hàng trực tiếp của doanh nghiệp).
8. Rủi ro trong chi phí trích trước dự phòng
– Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng gây ra những rủi ro về Thuế như bị hủy quỹ dự phòng.
– Chi phí trích trước có thể không được trừ do không có hóa đơn chứng từ và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
9. Rủi ro về chi phí chênh lệch tỷ giá
Cuối cùng là các chi phí chênh lệch tỷ giá cũng tiềm ẩn nguy cơ gây nên rủi ro về thuế cho doanh nghiệp, bao gồm:
– Chênh lệch tỷ giá thực tế phát sinh;
– Chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản phải trả;
– Chênh lệch tỷ giá do đánh giá các khoản thu và tiền.
Trên đây là những rủi ro về Thuế Thu nhập doanh nghiệp mà kế toàn cần đặc biệt lưu ý trước mỗi kỳ thanh, kiểm tra thuế. Chúc các bạn vượt qua kỳ quyết toán thuế dễ dàng.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> Khóa học Hành nghề Thuế chuyên sâu – Phòng tránh mọi sai phạm về thuế cho doanh nghiệp