Hóa đơn xuất khẩu là mẫu hóa đơn được sử dụng phổ biến tại các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa và cung ứng dịch vụ xuất khẩu ra nước ngoài, xuất vào các khu phi thuế quan. Ngoài ra, hóa đơn xuất khẩu còn được dùng trong nhiều trường hợp được coi như xuất khẩu khác. Vậy thời điểm xuất hóa đơn xuất khẩu là khi nào? Hãy cùng VisioEdu tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.
1. Quy định mới nhất về xuất hóa đơn xuất khẩu
Ngày 03/06/2022, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 2054/TCHQ-GSQL về việc sử dụng hóa đơn điện tử cho hàng xuất khẩu. Cụ thể:
Theo Thông lệ quốc tế, Điều 24, Luật Hải quan, Điểm b, Khoản 1, Điều 16, Thông tư 38/2015/TT-BTC và được sửa đổi bởi Khoản 5, Điều 1, Thông tư 39/2018/TT-BTC thì hồ sơ hải quan đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa xuất khẩu bao gồm hóa đơn thương mại hoặc chứ từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán, không quy định phải phát hành thêm hóa đơn giá trị gia tăng điện tử để làm thủ tục xuất khẩu.
Hóa đơn thương mại sẽ được lập và sử dụng căn cứ theo quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ UCP 600 và đảm bảo đáp ứng đầy đủ các nội dung theo thông lệ quốc tế.
2. Thời điểm phát hành hóa đơn xuất khẩu theo NĐ 123/2020/NĐ-CP
Căn cứ theo Điểm c Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về lập hóa đơn GTGT cho hàng hóa xuất khẩu:
“c) Cơ sở kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hoá xuất khẩu) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn GTGT điện tử. Khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, cơ sở sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu, cơ sở lập hóa đơn GTGT cho hàng hóa xuất khẩu.”
Như vậy, thời điểm lập hóa đơn xuất khẩu theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP là thời điểm hoàn tất tất cả thủ tục hải quan (tức ngày xác nhận thông quan). Căn cứ theo ngày đã lập hóa đơn xuất khẩu DN ghi nhận doanh thu hàng xuất khẩu.
3. Hướng dẫn xuất hóa đơn xuất khẩu
Từ nội dung Công văn 2054/TCHQ-GSQL, để xuất hóa đơn cho hàng xuất khẩu, kế toán lưu ý các bước sau:
Bước 1: Lập hóa đơn thương mại để làm thủ tục hải quan. Lưu ý thời điểm lập hóa đơn thương mại là ngày hàng hóa ra khỏi kho của người bán để đi đến cảng. Hóa đơn thương mại sẽ thuộc bộ hồ sơ để làm thủ tục hải quan.
Bước 2: Kế toán lập hóa đơn điện tử có mã xác nhận của cơ quan thuế ngay sau khi hoàn thành thủ tục hải quan. Ngày lập hóa đơn điện tử để ghi nhận doanh thu là ngày hoàn thành thủ tục hải quan (ngày trên tờ khai xuất khẩu).
Như vậy, có thể thấy đối với hoạt động xuất khẩu, người nộp thuế đồng thời sẽ phải lập 2 loại hóa đơn là hóa đơn thương mại và hóa đơn điện tử để đảm bảo tuân thủ theo quy định và yêu cầu quản lý chung của các cơ quan nhà nước.
4. Lưu ý khi xuất hóa đơn xuất khẩu
Theo Điểm c, Khoản 13, Điều 10, Nghị định 123/2020/NĐ-CP về nội dung của hóa đơn như sau:
“c) Đồng tiền ghi trên hóa đơn là Đồng Việt Nam, ký hiệu quốc gia là “đ”.
– Trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về ngoại hối thì đơn giá, thành tiền, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thanh toán được ghi bằng ngoại tệ, đơn vị tiền tệ ghi tên ngoại tệ. Người bán đồng thời thể hiện trên hóa đơn tỷ giá ngoại tệ với đồng Việt Nam theo tỷ giá theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
– Mã ký hiệu ngoại tệ theo tiêu chuẩn quốc tế (ví dụ: 13.800,25 USD – Mười ba nghìn tám trăm đô la Mỹ và hai mươi nhăm xu, ví dụ: 5.000,50 EUR- Năm nghìn ơ-rô và năm mươi xu).
– Trường hợp bán hàng hóa phát sinh bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về ngoại hối và được nộp thuế bằng ngoại tệ thì tổng số tiền thanh toán thể hiện trên hóa đơn theo ngoại tệ, không phải quy đổi ra đồng Việt Nam.”
Trên đây là hướng dẫn sử dụng mẫu hóa đơn xuất khẩu. Như vậy, theo quy định mới nhất về hóa đơn điện tử và thông lệ quốc tế, đối với hoạt động xuất khẩu, người nộp thuế đồng thời phải lập 2 hóa đơn là hóa đơn thương mại và hóa đơn điện tử để phù hợp với nhu cầu quản lý chung của các cơ quan nhà nước.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> Khóa học Hành nghề Thuế chuyên sâu – Giải mã mọi bí ẩn về thuế. Đăng ký ngay TẠI ĐÂY nhận ưu đãi đến 30%