Cụm từ “Hóa đơn điều chỉnh” hiện nay đang được sử dụng rất nhiều trong quy trình lập hóa đơn. Đặc biệt là đối với hóa đơn điện tử. Hiểu thế nào cho đúng đối với hóa đơn điện tử? Cùng các chuyên gia tại VisioEdu phân tích rõ hơn về vấn đề này nhé!
Về cơ bản, sẽ có hai trường hợp phải sử dụng hóa đơn điều chỉnh:
- Hóa đơn điều chỉnh được sử dụng khi chiết khấu, điều chỉnh tăng giảm giá trị hàng đã bán hoặc điều chỉnh tăng giảm doanh thu của công trình xây dựng …
- Sử dụng hóa đơn điều chỉnh cho tờ hóa đơn đã lập có Sai Sót.
Như vậy, chúng ta cần làm rõ khái niệm “sai sót” đối với hóa đơn và khái niệm hóa đơn điều chỉnh giảm khác nhau ở chỗ nào. Và ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế ra sao.
Đối với trường hợp 1, hóa đơn điều chỉnh tăng giảm giá trị hàng đã bán, doanh thu công trình xây dựng, chiết khấu … được sử dụng để đáp ứng đồng thời hai yêu cầu:
- Thứ nhất, khi bàn giao công trình hai bên chưa thống nhất được giá trị thanh toán thực tế (Có thể do phát sinh tăng giảm) nhưng để đảm bảo ghi nhận nghĩa vụ thuế GTGT đúng tại thời điểm chuyển giao công trình xây dựng nên người bán phải xuất hóa đơn đúng tại thời điểm đó. Nên người bán buộc phải xuất hóa đơn tạm tính theo giá trị hợp đồng (TT 219).
- Thứ hai, do tờ hóa đơn đầu buộc phải xuất theo giá trị tạm tính nên khi có thống nhất được giá trị quyết toán, người bán lại buộc phải xuất hóa đơn điều chỉnh tăng giảm giá trị công trình để ghi nhận đúng doanh thu thực tế mình được hưởng.
Và tờ hóa đơn này được hiểu là tờ hóa đơn điều chỉnh số liệu chính xác cho tờ hóa đơn trước đó, mà tờ hóa đơn cũ hoàn toàn không có sai sót gì. Hai tờ hóa đơn tồn tại hoàn toàn hợp pháp.
Khi kê khai thuế GTGT, người bán dựa vào tờ hóa đơn mới để kê khai âm hoặc dương vào kỳ hiện tại mà hoàn toàn không phải sửa lại Tờ khai thuế GTGT của kỳ hóa đơn ban đầu. Tại sao phải thực hiện như vậy? Đơn giản vì trong khoảng thời gian chưa quyết toán được chính xác giá trị công trình, nhưng công trình đã được bàn giao, người mua có thể đã có quyền sử dụng công trình này cho hoạt động kinh doanh nên người bán phải thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT đầu ra tạm theo giá trị hợp đồng đã ký kết.
Trường hợp giảm giá hàng bán cũng tương tự như vậy về mặt đạo lý. Giảm giá hàng bán theo quy định của thông tư 200, chỉ xuất phát từ những nguyên nhân là hàng kém chất lượng, hàng lỗi, sai quy cách. Như vậy, khi giao hàng, ý chí chủ quan của người bán là thu được số tiền đúng theo hợp đồng. Chỉ khi người mua phát hiện ra lô hàng đó bị lỗi, bị sai quy cách thì mới yêu cầu người bán nhận lại hàng hoặc giảm giá. Cho nên trong khoảng thời gian lô hàng chưa bị phát hiện lỗi thì người bán vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế đúng giá trị hàng đã bán theo hóa đơn ban đầu. Và cũng chỉ được quyền giảm khi người mua vẫn đồng ý nhận hàng với điều kiện giá bán phải giảm.
Đối với trường hợp 2: Sử dụng hóa đơn điều chỉnh cho sai sót của hóa đơn đã lập.
Trường hợp này được hiểu là hóa đơn ban đầu đã lập có sai sót về thông tin được ghi nhận trên bản thân tờ hóa đơn như thông tin về mã số thuế, tên hàng, đơn vị tính … còn hành vi giao hàng, bàn giao công trình là hoàn toàn đúng theo quy định. Với hóa đơn điều chỉnh trong trường hợp này thì cách viết được hướng dẫn tại Điều 19 Nghị định 123.
Cách viết hóa đơn điều chỉnh: Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng … tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số…, ký hiệu…
Khi viết hóa đơn sai, phát hiện hóa đơn đã gửi cho khách hàng có sai sót, người bán có thể lựa chọn xuất hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế, lúc này điều chỉnh giảm giá trị sẽ được thể hiện bằng số âm (-). Ngoài ra, ở Khoản 1 Điều 7 Thông tư 78 có bổ sung thêm hướng dẫn với một số trường hợp hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót.
Khi kê khai thuế GTGT với tờ hóa đơn điều chỉnh sai sót này, có trường hợp người bán sẽ không cần phải điều chỉnh Tờ khai GTGT đã nộp (Như là hóa đơn điều chỉnh sai sót về mã số thuế người mua, tên hàng chẳng hạn …). Nhưng cũng có trường hợp người bán phải điều chỉnh lại Tờ khai GTGT đã nộp như trường hợp sai số tiền hoặc sai thuế suất … Khi sai sót này xảy ra, người bán phải lập hóa đơn điều chỉnh cho sai sót này và sử dụng tờ hóa đơn này để lập lại Tờ khai thuế GTGT của kỳ đã nộp. Nhưng rõ ràng, bất luận trong trường hợp nào, hóa đơn điều chỉnh sai sót này cũng không làm cho người bán có quyền kê khai vào kỳ hiện tại giống như hóa đơn điều chỉnh doanh thu công trình, giảm giá hàng đã bán, chiết khấu … Bởi vì tờ hóa đơn điều chỉnh chỉ làm nhiệm vụ bổ sung tính hợp pháp cho tờ hóa đơn ban đầu.
Có lẽ, bản thân cơ quan thuế cũng đang bối rối với hai khái niệm “Hóa đơn điều chỉnh” nêu trên nên đã đồng nhất mọi trường hợp điều chỉnh đều là sai sót, từ đó dẫn đến một số công văn gần đây hướng dẫn sai bản chất của nghiệp vụ kinh tế gây nhiều “bão tố” trong cộng đồng kế toán.