Kinh doanh Đại lý Thuế là dịch vụ liên quan đến các vấn đề về thuế nên không dễ dàng để thực hiện, bởi thủ tục phức tạp, quy định thay đổi liên tục khiến doanh nghiệp khó nắm hết được. Vì vậy, nhu cầu sử dụng dịch vụ liên quan đến thuế ngày một tăng. Đại lý Thuế là tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ thực hiện các thủ tục như thế. Và đặc biệt, để giữ tốt uy tín, tránh rủi ro khi kinh doanh cũng như đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, kế toán cần phải lưu ý 2 điều VisioEdu chia sẻ dưới đây.
1. Quyền và trách nhiệm của Đại lý Thuế
Quyền và trách nhiệm của Đại lý Thuế được quy định rất rõ ràng. Khi hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh các thủ tục về thuế, các Đại lý Thuế có những quyền và nghĩa vụ cụ thể sau đây:
1.1 Quyền lợi của Đại lý Thuế
- Được thực hiện các thủ tục về thuế theo hợp đồng đã ký với người nộp thuế;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp thuế cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ, hồ sơ, tài liệu và thông tin cần thiết liên quan tới việc làm thủ tục về thuế theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên;
- Được thực hiện các quyền của người nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và theo hợp đồng đã ký với người nộp;
- Được cơ quan thuế các cấp hỗ trợ:
- Cung cấp, hướng dẫn cài đặt và sử dụng các phần mềm thực hiện thủ tục thuế điện tử;
- Được mời tham dự các lớp đào tạo, tập huấn các nội dung, quy định về chính sách thuế, thủ tục về thuế do cơ quan thuế tổ chức.
1.2 Trách nhiệm của các Đại lý Thuế
- Ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân nộp thuế;
- Có ít nhất hai kế toán có chứng chỉ Đại lý Thuế và có giấy xác nhận, tên trong danh sách đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế mới được thực hiện ký hợp đồng dịch vụ làm thủ tục về thuế.
- Đại lý Thuế phải lập hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân nộp thuế về phạm vi công việc thủ tục về thuế được ủy quyền, thời hạn được ủy quyền, trách nhiệm của các bên và các nội dung khác do hai bên thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng không trái với quy định của pháp luật.
- Khai, ký tên, đóng dấu trên tờ khai thuế, hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế, hồ sơ quyết toán thuế, hồ sơ hoàn thuế, hồ sơ miễn thuế, giảm thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Cung cấp chính xác, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế các tài liệu, chứng từ để chứng minh tính chính xác của việc khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, đề nghị số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn của người nộp thuế.
- Không được thông đồng với công chức quản lý thuế, người nộp thuế để trốn thuế, gian lận thuế. Trường hợp Đại lý Thuế có hành vi thông đồng với người nộp thuế hoặc tự thực hiện các hành vi trốn thuế, khai thiếu thuế, vi phạm thủ tục về thuế thì người nộp thuế vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung sai phạm trên.
- Giữ bí mật thông tin cho tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ của Đại lý Thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ có đủ bằng chứng về việc nơi hành nghề tư vấn về thuế không thực hiện đúng trách nhiệm này, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân nộp thuế thì kiến nghị Cục Thuế đình chỉ hoạt động của Đại lý Thuế.
2. Những trường hợp nào Đại lý Thuế phải báo cáo lên cơ quan thuế?
Báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế và các thông tin cần thiết khác phục vụ cho hoạt động quản lý khi cơ quan thuế yêu cầu bằng văn bản.
Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày thay đổi danh sách nhân viên, bao gồm cả kế toán có chứng chỉ Đại lý Thuế phải thông báo cho Cục Thuế quản lý thuế trực tiếp, bao gồm:
- Danh sách nhân viên mới, kế toán được tuyển dụng theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư 91/2017/TT-BTC.
- Danh sách nhân viên vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 17 Thông tư 91/2017/TT-BTC hoặc thuyên chuyển, nghỉ việc, nghỉ hưu, chết hoặc không có chứng chỉ Đại lý Thuế theo quy định của pháp luật.
- Cục Thuế gửi thông báo của Đại lý Thuế về danh sách nhân viên, kế toán thay đổi qua mạng giao dịch điện tử nội bộ ngành thuế cho Tổng cục Thuế trong thời hạn một (01) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.
Tổng cục Thuế có trách nhiệm đăng tải danh sách nhân viên Đại lý Thuế thay đổi trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trong thời hạn một (01) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.
Tóm lại, hành nghề dịch vụ về thuế không chỉ cần chứng chỉ Đại lý Thuế mà còn đòi hỏi sự chuyên nghiệp và kiến thức sâu rộng. Kế toán phải luôn cập nhật, hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất cho doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm: