Trung thu đang rộn ràng ngoài đình, trong ngõ. Trung thu năm nay lại đặc biệt hơn, chọn nhằm đúng ngày thành lập của Ngành Thuế. Nhân sự đặc biệt này, xin được cùng thuế mạn bàn đôi điều về việc … cho bánh trung thu.
Tặng bánh trung thu là một nghĩa cử truyền thống rất đẹp, thể hiện mối quan tâm đến thế hệ tương lai của dân tộc, của quốc gia. Hành vi này càng đẹp hơn nữa khi được toàn doanh nghiệp tham gia, nhân trung thu, tặng bánh cho khách hàng, cho người lao động, cho trẻ em nghèo … Một nét thanh cao nhưng cũng rất bình dị, mang đậm giá trị nhân văn quốc hồn, quốc tuý, không chút lai tạp.
Ấy vậy mà, việc cho, biếu, tặng này được phản chiếu trong thuế lên tầm triệt để quản lý, để rồi doanh nghiệp hảo tâm tức … mà không thể cười nổi.
Này nhé, trong thông tư 219 quy định khi cho, biếu, tặng mà có đăng ký theo quy định của luật Thương mại thì được xuất hoá đơn với giá bằng 0. Mà nói thật, khi doanh nghiệp đi đăng ký hành vi cho thì họ chỉ nhằm mục đích để tiêu thụ được nhiều sản phẩm của chính họ, đâu còn thuần khiết một nghĩa cử cho vô vị kỷ. Trong khi đó, mang bánh trung thu cho các cháu nhà trẻ mẫu giáo trên địa bàn doanh nghiệp đang hoạt động, hoặc cho con cháu cán bộ, nhân viên, có doanh nghiệp nào nghĩ đến việc đi đăng ký với ông sở công thương, lòng tốt ai mang giao bán, và như vậy, bác thuế nhà mình bắt doanh nghiệp phải xuất hoá đơn như bán, với mục đích trước khi cho, tôi … không biết, cứ nộp thuế đi đã.
Chưa hết, cho ai thì phải ghi hoá đơn cho người đó. Điều đó có nghĩa là cho chị A nào đó hộp bánh, trị gía 200.000 đồng thì phải xuất hoá đơn cho chị A là 200.000 đồng, ghi rõ cho không thu tiền rồi đưa tờ hoá đơn đó cho chị A. Thật vô cùng khiếm nhã khi tặng quà cho ai đó mà cố nói rằng, tôi phải bỏ ra ngần ấy tiền để mua, đi ngược với thuần phong mỹ tục.
Cũng vẫn chưa hết sự … tức mà không há mồm cười nổi, đó là đem cho, đã mất tiền mua quà, mà rồi lại còn phải nộp cho cơ quan thuế cả phí đem cho. Không đúng à? Hành vi đem cho các cháu ở nhà trẻ mẫu giáo đó, cho con của cán bộ, nhân viên … không được coi là liên quan đến hoạt động kinh doanh nên thuế GTGT đầu vào sẽ không được khấu trừ, tất nhiên được quy định rõ trong Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT của thông tư 219, kế toán ai chả biết. Vậy ta cùng xem nhé, doanh nghiệp mua hộp bánh 200.000 đồng, phải trả thêm cho người bán 20.000 đồng tiền thuế GTGT. Khi đem cho, phải xuất hoá đơn 200.000 đồng, kèm với thuế GTGT đầu ra 20.000 đồng nữa. Như vậy, để cho được hộp bánh 220.000 đồng cả thuế GTGT, doanh nghiệp phải bỏ ra 240.000 đồng. Doanh nghiệp cam chịu.
Nếu chủ doanh nghiệp là người am hiểu luật thuế một chút, thì họ sẽ không bao giờ mua bánh đem cho đâu, bởi vì họ là người làm kinh tế, họ sẽ không thể để bị “chặn” tiền một cách vô nghĩa lý như vậy. Họ sẽ cho chị A 220.000 đồng, bảo chị tự đi mua hộ bánh, hoặc họ mua bánh về, bán cho chị, rồi đưa tiền cho chị bảo chị nộp cho thủ quỹ là xong, đỡ mất thêm 20.000 đồng.
Nhìn sâu thêm một chút, ở điểm này, bác thuế đang vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc đánh thuế GTGT, thu thuế hai lần cho cùng một mặt hàng (trùng thuế).
Hỡi bác thuế, sao bác không quy định như trường hợp bác đồng ý gọi là tài trợ đó (như tài trợ cho giáo dục, y tế …), việc cho, biếu, tặng không cần phải xuất hoá đơn đầu ra với giá như bán, chỉ cần lập bảng kê chứng minh hành vi cho, biếu, tặng thực sự đã xảy ra, hoặc nếu bác nghiện hoá đơn, bác chỉ cần yêu cầu xuất hoá đơn với giá bằng 0, bác vẫn kiểm soát được, mà lại không gây thêm một “nét hằn” trên khuôn mặt vốn đã luôn nhầu nhĩ của kế toán.