Hiện nay, quy định về đối tượng được hoàn thuế Giá trị gia tăng, điều kiện được hoàn thuế Giá trị gia tăng được quy định khá rõ trong Thông tư 25/2018/TT-BTC, Thông tư 99/2016/TT-BTC, Thông tư 130/2016/TT-BTC. Nhưng không phải doanh nghiệp nào nộp thừa số thuế Giá trị gia tăng đều được hoàn thuế mà phải đáp ứng đủ điều kiện và làm hồ sơ đúng theo quy định. Bài viết sau đây, VisioEdu sẽ giúp bạn nắm rõ 9 đối tượng được hoàn thuế Giá trị gia tăng, điều kiện và thủ tục được hoàn thuế.
1. Hoàn thuế Giá trị gia tăng là gì?
Hoàn thuế Giá trị gia tăng được hiểu là một khoản thuế được nhà nước trả lại mà đối tượng nộp thuế đã nộp xong xuôi cho Ngân sách Nhà nước. Cụ thể hơn là ngân sách nhà nước trả lại tiền thuế Giá trị gia tăng cho đơn vị kinh doanh, tổ chức doanh nghiệp, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ. Số tiền thuế được trả là số tiền thuế đầu vào mà doanh nghiệp đã trả khi mua hàng hóa dịch vụ nhưng chưa được khấu trừ trong kỳ tính thuế hoặc đơn vị, cá nhân đó không thuộc diện chịu thuế.
2. 9 Đối tượng được hoàn thuế Giá trị gia tăng
Dưới đây là các đối tượng được hoàn thuế Giá trị gia tăng mà VisioEdu đã phân ra làm 9 nhóm như sau:
- Cơ sở kinh doanh nộp thuế Giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo;
- Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế Giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ, hoặc dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, nếu thời gian đầu tư từ 01 năm (12 tháng) trở lên thì được hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT).
- Hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đối với dự án đầu tư mới;
- Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế Giá trị gia tăng;
- Cơ sở kinh doanh nộp thuế Giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế Giá trị gia tăng khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế Giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế Giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết.
- Hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo:
- Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để sử dụng được hoàn số thuế Giá trị gia tăng đã trả ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng hoặc trên chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán đã có thuế Giá trị gia tăng.
- Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp được hoàn thuế đối với hàng hóa mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh. Việc hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh.
- Cơ sở kinh doanh có quyết định xử lý hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp hoàn thuế Giá trị gia tăng theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trên đây là 9 đối tượng được hoàn thuế Giá trị gia tăng mà VisioEdu muốn bạn nắm vững. Đây cũng là một trong số những câu hỏi tự luận trong đề thi Đại lý Thuế. Nếu muốn tham dự kỳ thi này và đạt điểm cao, bạn cần ghi nhớ toàn bộ 9 đối tượng mà VisioEdu vừa chia sẻ.
3. Điều kiện hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) là gì?
Để được hoàn thuế Giá trị gia tăng doanh nghiệp cần đáp ứng 2 điều kiện mà VisioEdu sắp nêu ra dưới đây:
- Các cơ sở kinh doanh, tổ chức thuộc đối tượng được hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) phải là cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền, có con dấu theo đúng quy định của pháp luật, lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán; có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng theo mã số thuế của cơ sở kinh doanh.
- Các trường hợp cơ sở kinh doanh đã kê khai đề nghị hoàn thuế trên Tờ khai thuế Giá trị gia tăng (GTGT) thì không được kết chuyển số thuế đầu vào đã đề nghị hoàn thuế vào số thuế được khấu trừ của tháng tiếp sau.
4. Thủ tục hoàn thuế Giá trị gia tăng
Tiếp theo, VisioEdu sẽ hướng dẫn bạn và doanh nghiệp của bạn làm hồ sơ và thủ tục hoàn thuế Giá trị gia tăng.
Căn cứ Thông tư 156/2013/TT-BTC, hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) được thực hiện theo 3 bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ hoàn thuế Giá trị gia tăng
Đây là khâu quan trọng nhất VisioEdu muốn bạn nắm rõ trong thủ tục hoàn thuế. Hồ sơ hoàn thuế gồm: Giấy đề nghị hoàn trả Khoản thu ngân sách nhà nước (mẫu 01/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC) và các tài liệu liên quan đến yêu cầu hoàn thuế. (Chi tiết ở mục 5)
Bước 2: Nộp hồ sơ hoàn thuế
Hồ sơ hoàn thuế được nộp một bộ tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc tại cơ quan hải quan có thẩm quyền hoàn thuế. Người nộp thuế được gửi hồ sơ hoàn thuế điện tử hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc gửi qua đường bưu chính.
Bước 3: Xử lý hồ sơ, ra quyết định và trả tiền thuế Giá trị gia tăng (GTGT) cho người nộp thuế
Khoản 1 Điều 59 Thông tư 156/2013/TT-BTC, Cục Thuế căn cứ Quyết định hoàn thuế, lập Lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu quy định; căn cứ Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước, lập Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước theo mẫu quy định gửi Kho bạc nhà nước đồng cấp.
5. Hồ sơ hoàn thuế Giá trị gia tăng
Để được hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT), bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ hoàn thuế VisioEdu sắp chia sẻ dưới đây. Căn cứ theo Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 tại Điều 1, Khoản 17 quy định như sau:
“Điều 58. Hồ sơ hoàn thuế
- Hồ sơ hoàn thuế bao gồm:
- a) Văn bản yêu cầu hoàn thuế;
- b) Các tài liệu liên quan đến yêu cầu hoàn thuế.”
Căn cứ theo quy định trên thì hồ sơ hoàn thuế gồm những tài liệu sau:
– Văn bản hoàn thuế theo mẫu 01/ĐNHT (ban hành kèm theo thông tư 156/2013)
– Các tài liệu liên quan đến yêu cầu hoàn thuế:
+ Photo tất cả các tờ khai thuế Giá trị gia tăng (GTGT) hàng tháng
+ Lập bảng kê tất cả các hóa đơn lớn hơn 20 triệu thanh toán qua ngân hàng
6. Thời gian hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT)
Với thời gian hoàn thuế Giá trị gia tăng, căn cứ vào hồ sơ hoàn thuế có 2 trường hợp mà VisioEdu nêu ra ở dưới đây, gồm:
Hoàn trước – kiểm sau : 15 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế đầy đủ, áp dụng đối với Doanh nghiệp chấp hành tốt
Kiểm trước – hoàn sau : 60 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế đầy đủ. Áp dụng đối với Doanh nghiệp hoàn thuế lần đầu hoặc hoàn thuế lần 2 trở đi nhưng hồ sơ hoàn lần đầu phát hiện có nhiều khuyết điểm.
Trên đây là toàn bộ những lưu ý về hoàn thuế Giá trị gia tăng mà VisioEdu muốn chia sẻ với bạn. Hy vọng với những chia sẻ bên trên sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ hoàn thuế Giá trị gian tăng cho doanh nghiệp bạn.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> Thuế giá trị gia tăng công trình ngoại tỉnh vãng lai hay phân bổ?
>>> Doanh nghiệp “than phiền” với quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào cho hàng xuất khẩu