Trong lĩnh vực kế toán, việc ghi nhận tài sản cố định đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là khi tài sản này chiếm một phần quan trọng trong tài sản của doanh nghiệp. Để đảm bảo tính chính xác và minh bạch, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định và điều kiện ghi nhận tài sản cố định mà Visio cung cấp dưới đây.
1. Tài sản cố định là gì?
Tài sản cố định (TSCĐ) bao gồm các loại tài sản được hình thành trong quá trình hoạt động kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp. Loại tài sản này có thời gian sử dụng, luân chuyển, thu hồi trên 1 năm hoặc 1 chu kỳ kinh doanh mang tính chất nhiều năm, có giá trị lớn được chuyển dần sang giá trị sản phẩm, chi phí quản lý thông qua chi phí khấu hao. Chúng có thể ở trạng thái chưa được sử dụng, đang được sử dụng, đã hết hạn sử dụng hoặc hiện tại không còn được sử dụng.
2. Phân loại tài sản cố định
Tài sản cố định được phân thành 2 loại đó là tài sản cố định vô hình và tài sản cố định hữu hình
2.1 Tìm hiểu về tài sản cố định hữu hình
Tài sản cố định hữu hình là gì?
TSCĐ hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất, hình thù rõ ràng, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu.
Phân loại tài sản cố định hữu hình
Theo chuẩn mực kế toán số 03, TSCĐ hữu hình phân loại theo mục đích và tính chất sử dụng gồm:
- Các công trình xây dựng nhà cửa, vật tư kiến trúc: nhà ở, làm việc, nhà kho, hội trường, câu lạc bộ tập luyện thi đấu, bảo tàng, văn hóa hội nghị, phòng học, giảng đường, bệnh viện, khu khám chữa bệnh, an dưỡng, kho chứa hàng, bãi đỗ, sân các loại, bể bơi, giếng khoan…;
- Máy móc, thiết bị: Gồm các loại máy móc, thiết bị chuyên dụng, thiết bị công tác…;
- Phương tiện vận tải như vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không…
- Xe ô tô như xe công tác, xe chuyên dụng, xe dịch vụ…;
- Các thiết bị, dụng cụ quản lý như máy móc, thiết bị dùng trong văn phòng, phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; máy móc, thiết bị chuyên dụng khác;
- Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc hoặc súc vật cho sản phẩm;
- Một số loại tài sản cố định khác chưa quy định chi tiết.
Ví dụ 1:
Công ty A kinh doanh bán buôn thương mại hàng tiêu dùng trong nước. Để thuận tiện hơn cho việc phân phối hàng hóa đến nhiều tỉnh thành, công ty triển khai kế hoạch mua 10 xe ô tô tải trọng lượng lớn có giá trị 245.000.000 đồng/xe (chưa bao gồm thuế GTGT). Công ty đã đăng ký sử dụng xe theo tên công ty. Xét về các tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định:
– Xe tải có hình thái vật chất, do doanh nghiệp mua mới, nắm giữ và sử dụng;
– Được sử dụng để vận chuyển hàng hóa ➞ mang lại giá trị tương lai cho doanh nghiệp;
– Xe tải là tài sản có thể sử dụng trong nhiều năm;
– Nguyên giá của tài sản được xác định từ giá mua là 245.000.000 đồng và các chi phí đăng ký xe, chi phí chạy thử.
Các xe tải thỏa mãn tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ hữu hình trên được ghi nhận là tài sản cố định hữu hình, doanh nghiệp cần ghi nhận tăng tài sản, theo dõi riêng từng xe tải đã mua và khấu hao theo quy định của Thông tư 45/2013/TT-BTC.
2.2 Tài sản cố định vô hình
Tài sản cố định vô hình là gì?
Khác với tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình không xác định được hình thái vật chất nhưng thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư do doanh nghiệp nắm giữ, sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ… thỏa mãn với các tiêu chí ghi nhận TSCĐ vô hình.
Phân loại tài sản cố định vô hình
Các loại tài sản cố định vô hình gồm:
- Quyền sử dụng đất;
- Quyền tác giả và các quyền liên quan đến quyền tác giả;
- Quyền sở hữu công nghiệp như quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp…;
- Quyền đối với giống cây trồng nông nghiệp;
- Bản quyền phần mềm ứng dụng;
- Thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các yếu tố năng lực, chất lượng, uy tín, bề dày lịch sử, truyền thống cùng các yếu tố khác có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế;
- Tài sản cố định vô hình khác chưa quy định chi tiết.
Ví dụ 2:
Công ty A chuyên về cung cấp dịch vụ đồ uống. Để đảm bảo hương vị cũng như công thức pha chế hấp dẫn khách hàng, công ty đã mua bản quyền công thức pha chế với giá trị 200.000.000 đồng (chưa bao gồm thuế GTGT). Như vậy, bản quyền công thức pha chế được ghi nhận là tài sản cố định vô hình của doanh nghiệp.
Ngoài cách phân loại trên, tùy mục đích quản lý mà doanh nghiệp còn có thể phân loại tài sản theo các tiêu chí nhằm mục đích quản lý tài sản:
- Phân loại theo mục đích sử dụng: TSCĐ phục vụ kinh doanh, TSCĐ phục vụ phúc lợi…;
- Phân loại theo trạng thái sử dụng: TSCĐ đang hoạt động, TSCĐ đang bảo dưỡng, TSCĐ chưa sử dụng, TSCĐ chờ thanh lý…;
- Phân loại theo nguồn hình thành: TSCĐ hình thành từ vốn chủ sở hữu, TSCĐ hình thành từ đi vay…
3. Điều kiện ghi nhận tài sản cố định
Theo Điều 3, Thông tư 45/2013/TT-BTC, điều kiện ghi nhận tài sản cố định bắt buộc phải đáp ứng thỏa mãn 3 yếu tố dưới đây:
- Doanh nghiệp sử dụng tài sản cho mục đích kinh doanh và đảm bảo chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai;
- Thời gian tối thiểu sử dụng từ một năm trở lên;
- Nguyên giá ban đầu của tài sản được xác định dựa trên hóa đơn chứng từ có giá trị từ mức 30.000.000 đồng trở lên.
Lưu ý:
– Trong trường hợp doanh nghiệp có hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết hoạt động với nhau, mỗi bộ phận cấu thành độc lập về thời gian sử dụng, chức năng hoạt động, theo dõi quản lý riêng thì mỗi một bộ phận tài sản phải đồng thời thỏa mãn 3 tiêu chuẩn tài sản cố định thì được ghi nhận là TSCĐ hữu hình;
– Trường hợp tài sản là súc vật làm việc hoặc tạo ra sản phẩm thì mỗi con súc vật thỏa mãn đồng thời 3 tiêu chuẩn tài sản cố định được ghi nhận là TSCĐ hữu hình;
– Trường hợp đối với vườn cây lâu năm, nếu cả mảnh vườn hoặc mỗi loại cây thỏa mãn 3 tiêu chuẩn của tài sản cố định thì được xác định là TSCĐ hữu hình;
– Riêng các chi phí phát sinh trong giai đoạn triển khai được ghi nhận là TSCĐ vô hình tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp nếu thỏa mãn đồng thời các điều kiện như: đảm bảo về dự định hoàn thành, khả thi về mặt kỹ thuật, có lợi ích kinh tế trong sử dụng và bán tài sản, xác định được chắc chắn và rõ ràng về chi phí hình thành TSCĐ cũng như thời gian tối thiểu tài sản có thể sử dụng;
– Trường hợp chi phí phát sinh khi thành lập doanh nghiệp, đào tạo nhân viên, giai đoạn nghiên cứu, chuyển dịch địa điểm, tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu… thì không ghi nhận là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ trực tiếp vào chi phí kinh doanh thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định hiện hành;
– Những khoản chi phí không đồng thời thỏa mãn cả ba điều kiện ghi nhận tài sản cố định trên thì doanh nghiệp thực hiện hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào đầu chi phí.
Trên đây là những nội dung về tài sản cố định là gì? Điều kiện ghi nhận tài sản cố định. Để tìm hiểu thêm về Tài sản cố định và các chuyên đề khác về Thuế. Hãy tham khảo ngay khóa học kế toán thuế chuyên sâu với 11 chuyên đề về Thuế.
Đăng ký ngay TẠI ĐÂY để được hỗ trợ thông tin về khóa học và nhận ưu đãi tốt nhất.