Xác định “chi phí được trừ” luôn là thách thức khiến nhiều kế toán đau đầu trong mỗi mùa quyết toán. Việc xác định sai chi phí được trừ khiến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro về Thuế, gây thất thoát lớn cho doanh nghiệp.
Dưới đây là 3 tình huống khó về “chi phí được trừ” đã khiến nhiều kế toán lâu năm phải bối rối khi hạch toán. Cùng VisioEdu và thầy Nguyễn Ngọc Minh – Chuyên gia hàng đầu về thuế tìm hiểu và xử lý 3 tình huống khó này nhé.
1. Mua đồ dùng cho Giám đốc giá trị lớn có được tính vào “chi phí được trừ”
Câu hỏi: Giám đốc mua ví da, nước hoa trên 30 triệu có được ghi vào Tài sản cố định và tính vào chi phí được trừ không?
Trả lời từ chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Minh:
Ý thứ nhất, tài sản này có được ghi nhận là tài sản cố định không?
Để trả lời được câu hỏi này, thì trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu về định nghĩa “Tài sản cố định” nhé.
Tài sản cố định là các tư liệu lao động có giá trị lớn, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, được sử dụng nhằm tạo ra lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng các điều kiện ghi nhận TÀI SẢN CỐ ĐỊNH của nhà nước.
Do đó, nếu tài sản thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:
- Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó; (1)
- Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên; (2)
- Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên. (3)
Trong tình huống trên, nước hoa, ví da của Giám đốc có giá trên 30 triệu và có thể được sử dụng trên 1 năm, nên đã thỏa mãn điều kiện thứ 2 và 3. Có thể, Giám đốc đã sử dụng các tài sản này để đi tiếp khách. Nhưng, xét về bản chất, các tài sản này chủ yến vẫn sử dụng cho nhu cầu cá nhân chứ không liên quan chặt chẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, đây không phải là tài sản cố định của doanh nghiệp.
Chúng ta cùng xem xét yếu tố thứ 2, chi phí này có được tính vào chi phí được trừ không?
Căn cứ theo Điều 6, Thông tư 78/2014, các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì sẽ được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như phân tích ở trên, mặc dù doanh nghiệp có bỏ tiền ra mua ví da, nước hoa cho Giám đốc sử dụng, nhưng xét trên phương diện của thuế, chi phí này không liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, các chi phí này sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Tình huống về tài sản cố định hình thành trên đất thuê
Câu hỏi: Công ty em có thuê 1 mảnh đất của một cá nhân, sau đó tiến hành xây nhà (văn phòng, nhà xưởng) trên mảnh đất đó, nhưng giấy phép xây dựng nhà lại đứng tên chủ nhà chứ không đứng tên công ty em. Vậy chi phí xây dựng có được tính là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp không?
Trả lời của chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Minh:
Để trả lời được câu hỏi này thì chúng ta phải làm rõ các vấn sau:
Thứ nhất, Tài sản ở trên đất (cái nhà này) có thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp hay không?
Thứ 2, doanh nghiệp có chứng minh được mình có quyền sở hữu với tài sản (ngôi nhà) này không?
Có thể, trong thỏa thuận giữa doanh nghiệp và chủ sở hữu mảnh đất đã có thỏa thuận là doanh nghiệp được xây nhà và có toàn quyền sở hữu ngôi nhà và tài sản trên đất.
Nhưng để một doanh nghiệp chứng minh được mình có quyền sở hữu bất động sản (ngôi nhà) thì doanh nghiệp cần đăng ký quyền sở hữu. Quyền sở hữu với đất đang là của cá nhân và giấy phép xây dựng cũng là của cá nhân đó, doanh nghiệp chỉ bỏ tiền để xây dựng thôi. Như vậy rất khó để doanh nghiệp có thể đăng ký được quyền sở hữu căn nhà đó đứng tên của doanh nghiệp. Vì vậy, rất khó để đưa chi phí xây dựng nhà trên đất thuê vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, và doanh nghiệp cũng không thể tính khấu hao cho tài sản này.
3. Doanh nghiệp mất 130 chiếc điện thoại trong đêm mưa lịch sử tại Đà Nẵng có được tính vào chi phí được trừ không?
Câu hỏi: Vào ngày 14 tháng 10 năm 2022, Đà Nẵng có gánh chịu 1 trận mưa lịch sử gây ngập lụt. Một cửa hàng bán điện thoại di động đã cho người dân vào chú mưa, hôm sau phát hiện mất 130 chiếc điện thoại trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng. Vậy thiệt hại 1,2 tỷ đồng do mất trộm này có được tính vào chi phí được trừ ko?
Trả lời của chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Minh:
Nếu đọc sơ qua tình huống trên, đa phần kế toán kết luận ngay là thiệt hại 1,2 tỷ đồng mà doanh nghiệp này đang gánh chịu sẽ được tính vào chi phí được trừ. Bởi theo quy định tại Thông tư 78/2014, những thiệt hại do trường hợp “bất khả kháng” thì doanh nghiệp sẽ được tính vào chi phí được trừ.
Tuy nhiên, trường hợp “bất khả kháng” được hiểu là do thiên tai, mưa lũ. Nếu doanh nghiệp bị ngập lụt, điện thoại hỏng hóc thì sẽ được xét là thiệt hại trong trường hợp “bất khả kháng”.
Nhưng trường hợp trên thì hoàn toàn không phải. Doanh nghiệp bị thiệt hại không phải vì mưa lũ mà vì cho người người dân vào trú mưa dẫn đến mất trộm. Vì vậy, chi phí thiệt hại này sẽ không được tính vào chi phí được trừ.
Trên đây là phần giải đáp 3 tình huống kế toán hay nhầm lẫn khi xác định “chi phí được trừ”. Hy vọng với những phân tích này, bạn đã hiểu sâu hơn bản chất cách xác định chi phí được trừ theo quy định mới nhất.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> Khi nào kế toán ghi nhận công tác phí, chi phí tiếp khách là chi phí được trừ
>>> Hóa đơn đầu vào có sau hóa đơn đầu ra có được tính vào chi phí được trừ hay không