Thực tế khi thực hiện các thủ tục về thuế, kế toán thường chỉ đọc các công văn hướng dẫn của Cơ quan Thuế liên quan đến tình huống doanh nghiệp đang gặp phải.
Cách tiếp cận này giúp kế toán nhanh chóng tìm được lời giải trực diện cho vấn đề mà không cần mất quá nhiều công sức tìm hiểu kỹ càng các Văn bản Pháp luật chính thức có liên quan (Luật, Nghị định và Thông tư do Bộ Tài chính ban hành). Nhưng cách làm này chứa đựng rất nhiều rủi ro.
Ví dụ:
Doanh nghiệp A là công ty TNHH một thành viên, có tiền lương trả cho Giám đốc công ty, cũng là chủ công ty trong năm 2020 là 300 triệu đồng.
Khi kế toán lập quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm đó, do còn phân vân nên đã làm công văn hỏi Chi cục thuế, và được trả lời là tiền lương đó tính vào chi phí được trừ. Vì thế, kế toán đã thực hiện theo như hướng dẫn.
Nhưng đến năm sau, Cục thuế tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp A đã phát hiện và kết luận khoản chi tiền lương cho chủ công ty sẽ không được tính vào chi phí được trừ. Quyết định này được dựa trên quy định tại Điều 6 của Thông tư 78/2014/TT-BTC về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Vì thế, Cơ quan Thuế đã loại khoản chi phí này ra khỏi quyết toán thuế TNDN của công ty A. Dẫn đến việc doanh nghiệp này phải chịu thêm khoản thuế phát sinh phải nộp sau kiểm tra là 300 triệu đồng * 20% = 60 triệu đồng.
Mặc dù, tại Điều 9 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP có quy định:
“Không xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp tiền thuế đối với người nộp thuế vi phạm hành chính về thuế do thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan thuế… liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế…”
Trong trường hợp này, doanh nghiệp A đã thực hiện theo công văn hướng dẫn của Chi cục thuế, nhưng hướng dẫn đó lại sai so với quy định của Văn bản Pháp luật chính thức. Mặc dù doanh nghiệp không bị phạt vi phạm hành chính 20% trên số tiền thuế bị truy thu và không bị phạt chậm nộp nhưng vẫn phải nộp thêm 60 triệu đồng vào Ngân sách nhà nước.
Tóm lại, khi doanh nghiệp gặp vấn đề vướng mắc và hỏi Cơ quan thuế, lúc này Cơ quan thuế chỉ có quyền ra công văn trả lời, hướng dẫn. Nhưng nếu công văn trả lời sai, mặc dù câu trả lời này xuất phát từ Cơ quan thuế, doanh nghiệp vẫn có thể bị phạt.
Vì thế, kế toán cần cẩn trọng và xác định đúng vai trò của các nguồn tài liệu khi thực hiện các thủ tục về thuế để tránh “mất tiền oan” như trường hợp nêu trên. Không nên chỉ dựa vào những công văn hướng dẫn mà cần phải tìm hiểu kỹ các quy định trong Luật, Nghị định và Thông tư do Bộ Tài chính ban hành chính thức.