Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam áp dụng mô hình kinh doanh theo hình thức trực tuyến. Vì vậy, việc sử dụng dịch vụ quảng cáo trên các nền tảng số đã trở thành phần không thể thiếu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam khi sử dụng dịch vụ quảng cáo trên các nền tảng số như Facebook, Google, Tiktok…thì có cần phải thực hiện nghĩa vụ Thuế Giá trị gia tăng hay Thuế Thu nhập doanh nghiệp thay cho doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài không? Bài viết dưới đây VisioEdu sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nghĩa vụ Thuế của doanh nghiệp tại Việt Nam khi sử dụng dịch vụ trên nền tảng số.
1. Doanh nghiệp nước ngoài không có trụ sở tại Việt Nam có được thực hiện nghĩa vụ Thuế không?
Trước đây, khi mà một tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thì phải có trụ sở tại Việt Nam và đăng ký mã số Thuế nhà thầu để nộp Thuế thay cho cơ sở chính. Trừ một số ít các trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì mới được quyền đăng ký thực hiện nghĩa vụ Thuế thông qua mã số Thuế nhà thầu.
Còn khi doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không có cơ sở thường trú thì họ sẽ không được phép đăng ký mã số Thuế. Điều này khiến doanh nghiệp nước ngoài không thể thực hiện nghĩa vụ Thuế tại Việt Nam.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh tại Việt Nam thì bắt buộc phải có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Cơ sở thường trú này tại Việt Nam sẽ đăng ký mã số Thuế nhà thầu để nộp Thuế thay cho trụ sở chính, và khi đó các doanh nghiệp nước ngoài mới có thể thực hiện nghĩa vụ Thuế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, từ năm 2019 doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đã được thực hiện nghĩa vụ Thuế tại Việt Nam dù không có cơ sở hiện diện tại Việt Nam. Theo Luật 38, điều 42, khoản 4 quy định:
“Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký Thuế, khai Thuế, nộp Thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”
Như vậy, quy định này cho phép doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số đăng ký mã số Thuế ngay cả khi họ không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Ngoài ra, Thông tư 80 áp dụng từ 1/1/2022 đã cung cấp hướng dẫn cụ thể cho việc đăng ký mã số Thuế và thực hiện nghĩa vụ Thuế tại Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử. Do đó, từ ngày 1/6/2022, các tập đoàn lớn như Google, Facebook và TikTok đều đã đăng ký mã số Thuế để nộp Thuế tại Việt Nam. Và Facebook đã thông báo với tất cả khách hàng rằng họ sẽ thu thêm 5% Thuế Giá trị gia tăng cho các dịch vụ doanh nghiệp sử dụng từ Facebook.
2. Doanh nghiệp Việt Nam có phải thực hiện nghĩa vụ Thuế thay cho Facebook nữa hay không?
Câu hỏi: Doanh nghiệp có cần thực hiện nghĩa vụ thuế thay cho Facebook nữa không, và chi phí trả cho Facebook, Google, Tiktok có được tính vào chi phí được trừ hay không
Trả lời:
Tiếp theo, cùng VisioEdu tìm hiểu quy định cụ thể trong Luật Thuế của Việt Nam về vấn đề trên nhé!
Video trả lời và phân tích chuyên sâu của chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Minh
Dựa trên quy định Thông tư 103/2014/TT-BTC, điều 5 chương I về Thuế nhà thầu như sau:
“Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức kinh doanh thực hiện nghĩa vụ Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo hướng dẫn tại Thông tư này.”
Như vậy, một doanh nghiệp nước ngoài có phát sinh doanh thu tại Việt Nam thì phải thực hiện 2 nghĩa vụ Thuế đó là:
– Nghĩa vụ Thuế Giá trị gia tăng
– Nghĩa vụ Thuế Thu nhập doanh nghiệp.
Tất cả những doanh nghiệp nước ngoài phát sinh thu nhập tại Việt Nam đều phải thực hiện 2 nghĩa vụ Thuế trên. Nhưng
– Doanh nghiệp nước ngoài không thực hiện chế độ kế toán tại Việt Nam – Không thể nộp Thuế theo phương pháp khấu trừ đối với Thuế Giá trị gia tăng hay phương pháp kê khai với Thuế Thu nhập doanh nghiệp
Vì vậy, họ sẽ thực hiện theo phương pháp trực tiếp điều này đã phát sinh trường hợp đối với dịch vụ nộp 5% doanh thu và đối với Thuế Thu nhập doanh nghiệp cũng là 5%.
Để trả lời cho câu hỏi: “Đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số khi họ đã đăng ký mã số Thuế tại việt Nam rồi thì các doanh nghiệp việt nam có cần thực hiện nghĩa vụ Thuế thay cho doanh nghiệp nước ngoài nữa không?” chúng ta xem xét theo các khía cạnh như sau:
Khi một doanh nghiệp nước ngoài đã đăng ký mã số Thuế tại Việt Nam, họ đã trở thành 1 người nộp Thuế tại Việt Nam và bình đẳng như những người nộp Thuế khác tại Việt Nam. Vì vậy người mua không phải nộp Thuế thay nữa. Trừ những trường hợp cụ thể, người mua phải nộp Thuế thay cho người bán là cá nhân cho thuê nhà, hoặc trưởng hợp chuyển hợp vốn, chuyển hợp chứng khoán… sẽ có những quy định cụ thể.
Hơn hết, Thông tư 80 quy định rõ ràng rằng đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số đã đăng ký mã số Thuế tại Việt Nam phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ Thuế đối với cơ quan Thuế Việt Nam. Không có điều khoản ủy quyền cho người mua nộp Thuế thay nữa. Chính vì vậy, Facebook là bên trực tiếp phải nộp Thuế Giá trị gia tăng và Thuế Thu nhập doanh nghiệp cho dịch vụ họ cung cấp tại Việt Nam cho khách hàng tại Việt Nam trực tiếp cho cơ quan Thuế.
Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam không cần thực hiện nghĩa vụ Thuế thay cho doanh nghiệp nước ngoài nếu họ đã đăng ký mã số Thuế tại Việt Nam. Tất cả doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số đều phải tuân theo quy định và nộp Thuế theo quy định của cơ quan Thuế Việt Nam. Điều này giúp rõ ràng hơn về việc doanh nghiệp nào phải chịu trách nhiệm Thuế và đảm bảo tính công bằng trong việc thu Thuế đối với dịch vụ trên nền tảng số.
>> Có thể bạn quan tâm: Khóa học Hành nghề Thuế chuyên sâu – Giải mã mọi bí ẩn về Thuế