Hóa đơn điện tử có mã của Cơ quan Thuế khởi tạo từ máy tính tiền là một giải pháp mang tính đột phá. Giúp giảm bớt các gánh nặng về thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình vận hành.
Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với Cơ quan Thuế được áp dụng đối với một số đối tượng bán hàng, cung cấp dịch vụ. Đây là hình thức rất phù hợp trên thực tế, bởi chi phí đầu tư vừa phải và dễ sử dụng.
Ở bài viết này, VisioEdu sẽ phân tích kỹ các quy định hiện hành liên quan đến việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và trách nhiệm của người bán hàng khi sử dụng công cụ này.
1. Nguyên tắc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
Khoản 1 Điều 8 Thông tư 78/2021/TT-BTC quy định hóa đơn điện tử có mã của Cơ quan Thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với Cơ quan Thuế đảm bảo nguyên tắc quy định tại Điều 11 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
VisioEdu xin được liệt kê 3 nguyên tắc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, gồm:
- Nhận biết được hóa đơn in từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với Cơ quan Thuế;
- Không bắt buộc có chữ ký số;
- Khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn (hoặc sao chụp hóa đơn hoặc tra thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế về hóa đơn) được khởi tạo từ máy tính tiền được xác định là khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế.
VisioEdu muốn bạn lưu ý: Nếu hóa đơn này có sai sót thì chúng ta cũng áp dụng quy định tại Điều 19 Nghị định 123 để xử lý sai sót cho nó. Và ở đây chỉ có thể lựa chọn giữa một trong hai cách thức đó là xuất hóa đơn thay thế hoặc xuất hóa đơn điều chỉnh.
2. Đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
Tiếp theo, hãy cùng Visioedu xem xét đối tượng nào được sử dụng công cụ này.
Theo khoản 2 Điều 8 Thông tư 78/2021/TT-BTC, đối tượng được sử dụng là doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo 8 mô hình kinh doanh sau:
– Trung tâm thương mại
– Siêu thị
– Bán lẻ hàng tiêu dùng
– Ăn uống
– Nhà hàng
– Khách sạn
– Bán lẻ thuốc tân dược
– Dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác
Có thể thấy, dù đây là một biện pháp giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực cho việc xuất hóa đơn nhưng không hề mang tính ép buộc. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
3. Nội dung hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
Căn cứ khoản 3 Điều 8 Thông tư 78/2021/TT-BTC, hóa đơn điện tử có mã của Cơ quan Thuế được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với Cơ quan Thuế gồm 5 nội dung mà VisioEdu nêu sau:
- a) Tên, địa chỉ, mã số thuế người bán: Theo đúng tên, địa chỉ, mã số thuế ghi tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, thông báo mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.
- b) Thông tin người mua nếu người mua yêu cầu (mã số định danh cá nhân hoặc mã số thuế);
- c) Tên hàng hóa, dịch vụ, đơn giá, số lượng, giá thanh toán. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ phải ghi rõ giá bán chưa thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT, tiền thuế GTGT, tổng tiền thanh toán có thuế GTGT;
- d) Thời điểm lập hóa đơn;
đ) Mã của Cơ quan Thuế. Bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của Cơ quan Thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được Cơ quan Thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.
Mã của Cơ quan Thuế được cấp tự động, theo dải ký tự cho từng cơ sở kinh doanh khi đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của Cơ quan Thuế được khởi tạo từ máy tính tiền.
Như vậy, có thể thấy hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu điện tử với Cơ quan Thuế có nội dung khá đơn giản. Việc này giúp ích rất nhiều trong quá trình sử dụng. Bởi lẽ ai cũng có thể nhập thông tin để xuất hóa đơn theo đúng quy định.
4. Trách nhiệm của người bán hàng
Tiếp theo, cùng VisioEdu tìm hiểu về trách nhiệm của người bán hàng khi sử dụng công cụ này nhé!
Theo Khoản 6 Điều 8 Thông tư 78/2021/TT-BTC quy định người bán khi sử dụng hóa đơn điện tử có mã được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với Cơ quan Thuế có trách nhiệm như sau:
– Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của Cơ quan Thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với Cơ quan Thuế theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
– Lập hóa đơn điện tử có mã của Cơ quan Thuế được khởi tạo từ máy tính tiền theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư 78.
– Có trách nhiệm sử dụng dải ký tự mã của Cơ quan Thuế cấp khi lập hóa đơn điện tử có mã của Cơ quan Thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với Cơ quan Thuế để đảm bảo liên tục và duy nhất.
– Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử có mã của Cơ quan Thuế đã khởi tạo từ máy tính tiền cho Cơ quan Thuế ngay trong ngày thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu điện tử.
Trên đây là toàn bộ những quy định mới nhất liên quan đến sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền mà VisioEdu muốn chia sẻ với bạn. Hy vọng với những chia sẻ này, bạn đã có thể lựa chọn hình thức xuất hóa đơn phù hợp với doanh nghiệp mình.
Có thể bạn cũng quan tâm:
>>> Những lưu ý khi hủy hóa đơn điện tử
>>> Hóa đơn điện tử ghi hàng hóa, dịch vụ hay ngành nghề kinh doanh?